Ngày 6-1, TAND TP Cần Thơ xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa ông NVK (61 tuổi, ngụ Đồng Tháp) và bà NTKH (62 tuổi, ngụ Cần Thơ). Tòa tuyên sửa án sơ thẩm buộc bà H. phải tăng phần công sức đóng góp đối với hai mảnh đất thuộc quyền sử dụng của bà cho ông K. từ 5 triệu lên 10 triệu đồng.
Ông K. sống chung với bà H. như vợ chồng từ năm 1994, không đăng ký kết hôn. Năm 2013, do phát sinh mâu thuẫn nên ông bà sống ly thân, gần đây ông xin ly hôn. Ông bà không có con chung, không có nợ chung. Bà H. đứng tên giấy đỏ là hai thửa đất lúa có nguồn gốc của cha mẹ bà cho riêng. Ông K. cho rằng đây là tài sản chung, yêu cầu chia đôi vì 18 năm chung sống có công cải tạo. Bà H. đồng ý ly hôn nhưng không chia đất, chỉ chấp nhận trả cho ông 5 triệu đồng tiền công sức đóng góp cải tạo đất.
Tháng 6-2016, TAND huyện Vĩnh Thạnh xử sơ thẩm nhận định ông K. có công với hai thửa đất từ năm 1994 đến khi mâu thuẫn. Còn quyền sử dụng đất là của hộ bà H. gồm bà và hai con riêng. Do đó, công của ông K. được tính bằng 1/2 giá trị của 1/3 tổng diện tích hai thửa đất, tương đương 46,11 triệu đồng. Về quan hệ hôn nhân thì tòa tuyên không công nhận hai người là vợ chồng. Bà H. kháng cáo giữ quan điểm.
Tại tòa phúc thẩm, bà H. thừa nhận ông K. có công bang đất từ vườn tạp thành đất trồng lúa. Ông K. yêu cầu chia giá trị đất nhưng không nói cụ thể bao nhiêu tiền. Thấy vậy, đại diện VKS hỏi: “Bà xem có tăng thêm tiền cho ông không vì 18 năm chung sống mà chỉ trả công ông ấy có 5 triệu đồng thì ít quá!”. Bà H. vẫn kiên quyết: “Không tăng!”.
Tòa nhận định ông K. nói có công nhưng không chứng minh được giá trị tăng thêm cho đất là bao nhiêu. cấp sơ thẩm tính theo diện tích đất để tính công sức của ông K. là chưa phù hợp. Tuy ông K. không chứng minh được nhưng công sức đó là có thật. Từ đó tòa chấp nhận đề nghị của đại diện VKS là sửa án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của ông K. như trên.