‘Chúng ta chưa có tư duy về tuần hoàn trồng và bảo vệ rừng’

Ngày 10-11, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh thành phía Nam – Vấn đề và giải pháp”.

Tham dự hội thảo có hơn 200 đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nhân… quan tâm đến lĩnh vực này.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh, trước những tác động từ tình trạng gia tăng dân số, biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao... Việt Nam và nhiều nước phải đối diện với nhiều thách thức do tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác ngày càng suy kiệt, thiên tai ngày càng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống, sức khỏe con người.

Trước thực trạng đó, để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) là hướng đi thích hợp.

GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân – Đại học kinh Tế TP.HCM cho rằng, thực ra cha ông chúng ta lúc nghèo khó đã có nhiều hoạt động KTTH nhưng đến lúc khá lên thì con cháu lại quên đi. Ở ĐBSCL, bà Vân cho rằng với cây lúa, thời gian trước sản xuất quay vòng 3-4 vụ/năm làm cho đất xơ xác đi, tức là sản xuất chạy theo số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Và hiện nay, đã đến lúc chúng ta phải xác định lại việc không thể chạy theo số lượng nữa mà phải quan tâm đến chất lượng

Cũng theo bà Vân, “vì chúng ta chưa có tư duy về tuần hoàn trồng và bảo vệ rừng nên mới dẫn đến chuyện chúng ta phá rừng, làm thủy điện sai nên mới dẫn đến những chuyện đau thương như vừa qua”.

Rồi là chuyện pin năng lượng mặt trời. Bà Vân cho rằng: “pin mặt trời không có tội, sử dụng năng lượng tái tạo là rất đúng nhưng nếu không có tư duy về KTTH, chúng ta nhập khẩu những thứ chất lượng kém rồi sẽ trở thành một đống chất thải … Cho nên, chúng ta phải nhìn nhận, thay đổi tư duy từ lúc mua vật liệu đầu vào”.

GS-TS Đoàn Thị Hồng Vân phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Trúc Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này cũng đã làm được một mô hình về KTTH về nông nghiệp, liên quan đến đặc sản của tỉnh là trái dừa. Đến nay, tất cả những thành phần của trái dừa đều được sản xuất thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Sơn, trước đây quá trình sản xuất chỉ sơ dừa sản sinh ra khối lượng lớn bụi/vụn dừa. Do không biết nên bụi sơ dừa đều đem đổ xuống sông.

“Việc này dẫn đến tất cả những con sông vùng Mỏ Cày đều có nước đen kịt luôn, gây ô nhiễm rất lớn. Người dân phản ánh việc ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe làm cho chính quyền cũng phải suy nghĩ. Chúng tôi đã nghiên cứu, cuối cùng cũng tìm cách tận thu được vụn sơ dừa để sản xuất đất sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp…. Từ chỗ hàng nghìn tấn vụn dừa đổ xuống sông thì nay đã tận dụng được tất cả và chế biến thành sản phẩm xuất khẩu. Các dòng sông ô nhiễm đã trở lại thành dòng sông thơm. Đây là thành công ngoài mong đợi!” – ông Sơn chia sẻ.

Từ các phân tích của mình ở trên, GS Vân đề xuất, trong văn kiện Đại hội 13 của Đảng sắp tới phải đưa vấn đề KTTH vào nghị quyết, rồi luật hóa và xây dựng chiến lược phát triển KTTH tại Việt Nam giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045 với các lộ trình cụ thể.

Còn Phó Chủ tịch tỉnh Bến Tre thì cho rằng, đối với KTTH phải có những chính sách cụ thể. Cụ thể là phải có quy định việc nhập và quản lý chất thải, tận dụng chất thải làm nguyên liệu của sản phẩm khác. Cạnh đó là chính sách về tài chính để hỗ trợ những doanh nghiệp tham gia vào quá trình này…

Đồng tình với một số giải pháp, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị phải có khung pháp lý “để tạo sân chơi, điều kiện cho cái mới sớm ra đời, cái cũ xếp lại” và chính sách hỗ trợ hướng tới hai đối tượng là người nông dân và doanh nghiệp đầu đàn.

Ba cấp độ của kinh tế tuần hoàn

Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, KTTH là một mô hình kinh tế, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.

Các nhà nghiên cứu chia mô hình KTTH thành ba cấp độ. Cấp độ thấp là tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái.

Cấp độ vừa, bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác, nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Cấp độ cao, toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng.

Cùng với cả nước, các tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP Cần Thơ… cũng đã xuất hiện một số mô hình hoạt động theo các nguyên tắc của mô hình KTTH và bước đầu đem lại nhiều thành quả đáng khích lệ.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy