(PLO)- Trong những ngày trải nghiệm cùng với các công nhân thi công dự án vành đai 3, chúng tôi mới cảm nhận được hết 'sức nóng' trên công trường. Cái nóng ấy vừa đến từ tiết trời nắng 'cháy da cháy thịt', vừa đến từ sự khẩn trương, tất bật của hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân trên từng gói thầu của tuyến đường được đánh giá là rất quan trọng này.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi từng khái quát dự án vành đai 3 được xem là con đường của “ý Đảng - lòng dân". Bởi lẽ, dự án đánh dấu quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm mới, sáng tạo , sự đồng thuận, ủng hộ, chia sẻ của người dân trong quá trình triển khai.
Dự án vành đai 3 dài 76 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỉ đồng. Đây là công trình có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của cả vùng Đông Nam Bộ.
Tại TP.HCM, dự án có chiều dài 47,51km, đi qua TP Thủ Đức, các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Công trình có 14 gói thầu xây lắp (XL), trong đó 10 gói thầu xây lắp chính, 4 gói thầu phụ trợ phục vụ khai thác, vận hành. Đến nay, 10/10 gói thầu xây lắp chính đang được gấp rút thi công.
Riêng 4 gói thầu vận hành, khai thác đang được triển khai thiết kế, dự kiến bắt đầu thực hiện trong năm 2024.
Công nhân gia công các lồng sắt chuẩn bị cho việc đổ cọc bê tông ở công trường hầm chui Tỉnh lộ 15, thuộc gói thầu XL6 - đường vành đai 3 qua huyện Củ Chi. Gói thầu XL3 được khởi công vào ngày 28-7-2023, dài 3km, với hai hạng mục chính là thi công cầu và đường song hành, hệ thống thoát nước. Gói thầu đi qua hàng loạt cao ốc ở TP Thủ Đức đã dần hiện rõ hình hài. Liên danh nhà thầu gói XL3 có 5 đơn vị thực hiện, huy động khoảng 300 kỹ sư, công nhân, hơn 50 máy móc, thiết bị thi công. Từ 7 giờ sáng, các kỹ sư, công nhân đã bắt đầu tất bật cho đến tận đêm khuya. Trong ảnh: Anh Phan Thanh Anh Kiệt (trái) đang cùng đồng nghiệp cẩu sắt từ xe xuống để phục vụ công trình. Thi công dưới điều kiện nắng nóng rát da, cộng thêm công việc liên quan đến hàn xì sắt nên các công nhân phải bịt kín tay chân, mặt mũi. Từng bị cháy da ở tay, mặt và cổ, anh Nguyễn Văn Xuân (quê Hà Nội) càng cẩn thận hơn. "Tôi làm ở đây được gần một năm rồi, buổi sáng mọi người tranh thủ ra làm sớm, trưa nghỉ ngơi tránh nóng từ 11 giờ, 14 giờ bắt đầu công việc và xong ca muộn, có khi vào hơn 18 giờ tối. Sau khi ăn tối, ai tăng ca thì lại tiếp tục công việc của mình cho đến khuya" - anh Xuân nói. Anh Nguyễn Văn Khái (quê Cà Mau) cho biết vì đã quen với cái nắng công trường nên khi vào làm ở công trình vành đai 3 TP.HCM cảm thấy hào hứng hơn là vất vả. "Ở thời điểm này, kiếm được một công việc không phải dễ dàng, mà lại làm đường vành đai 3, nhà thầu bố trí nơi ăn, chốn ở nên không phải lo lắng gì nữa mà chỉ tập trung làm tốt nhất công việc được giao" - Anh Khái cười. Các công nhân đang gia công khung để lắp cốp pha, lắp khuôn ván chuẩn bị cho việc đổ trụ bê tông cầu tuyến vành đai 3, gói XL3 qua TP Thủ Đức. Trong ảnh là đại công trường vành đai 3 TP.HCM đoạn qua huyện Củ Chi có tổng chiều dài 6,07km, giá trị khoảng 2.200 tỉ đồng. Ông Trịnh Xuân Liễu - Chỉ huy trưởng mũi thi công của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - cho biết, gói thầu XL6 gồm 5 đơn vị tham gia thực hiện (Trường Sơn - 319 - Đại Phong - CK4 - Quang Phúc), đang triển khai đồng loạt 12 mũi thi công, trải dài từ đầu tuyến đến Tỉnh lộ 15. Hai anh Lê Văn Tây và Phan Thành Tiến đang hàn ống siêu âm cọc nhồi cho hầm chui số 1 trên Tỉnh lộ 15, huyện Củ Chi. Công việc của nhóm anh Tây mỗi ngày là hạ vách, khoan cọc nhồi, đổ bê tông. "Công việc nhiều lúc khó khăn do thời tiết nắng nóng hay khi đổ bê tông xe cộ qua lại nhiều. Nhưng bù lại được cống hiến sức mình cho công trình trọng điểm nên tự nhủ với bản thân cần cố gắng nhiều hơn" - anh Tiến nói. "Đối với công nhân, thời điểm mùa khô là thích hợp nhất để bù lại tiến độ thời gian đầu bị chậm do thiếu nguồn cát, nên dù vất vả nhưng vẫn cố gắng thi công 3 ca 4 kíp với khoảng 120-150 công nhân cùng hàng chục máy móc, thiết bị" - Ông Trịnh Xuân Liễu, Chỉ huy trưởng mũi thi công Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, gói thầu XL6, vừa nói vừa theo dõi các công nhân, kỹ sư làm việc. Anh Hồ Văn Quốc - Giám sát thi công (bìa phải) - đang kiểm tra, đối chiếu việc thi công mố cầu trên Tỉnh lộ 15, huyện Củ Chi. Anh Quốc cho hay trên công trường, bất kể là kỹ sư hay công nhân ai cũng nhiệt huyết, làm việc nghiêm túc, hết sức, hết mình, khắc phục mọi rào cản, khó khăn. Một góc công trường thi công cầu Cây Xanh thuộc tuyến vành đai 3 TP.HCM qua huyện Củ Chi, gói XL6 nhìn từ trên cao. Tiếng máy khoan cọc nhồi, san lắp mặt bằng... inh ỏi cả một góc trời. Theo đại diện nhà thầu, với tiến độ hối hả như hiện nay, công trường đang thay đổi từng khắc, từng giờ. Vừa làm xong đường tránh cho xe cộ lưu thông mới mấy ngày nay, các kỹ sư, công nhân trên công trường xây cầu vượt Võ Văn Bích, gói thầu XL6 qua huyện Củ Chi đã tất bật thi công những hạng mục đầu tiên. Gói thầu XL8 qua huyện Hóc Môn gồm một cầu cạn vượt đường Nguyễn Văn Bứa, 2 cầu vượt qua kênh và phần đường cao tốc dài hơn 7km, với tổng giá trị 1.417 tỉ đồng. Anh Nguyễn Hữu Dương - Đại diện nhà thầu Cienco4 đảm nhận thi công 1/2 cầu vượt TL9 - gói XL8 - cho biết hiện nay, phần cầu vượt Tỉnh lộ 9 đã đạt 50% tiến độ, cơ bản xong hết phần bệ thân. Riêng phần đường của liên danh nhà thầu đến nay đã đạt 10% phần việc. Mỗi ngày hơn 50 cán bộ, kỹ sư, công nhân chia thành nhiều tổ đội tham gia làm việc trên công trường. Trong điều kiện nắng nóng, đơn vị bố trí sáng làm sớm từ 6 giờ đến gần 11 giờ, làm việc lại từ khoảng 14 giờ đến 18 giờ, khi nào cần đẩy tiến độ sẽ làm thêm ca đêm. Là một kỹ sư trẻ, anh Trần Hoàng Sơn (29 tuổi, quê Nghệ An), bày tỏ sự háo hức khi được bố trí đảm nhiệm vai trò phụ trách kỹ thuật ở công trường XL8 tuyến vành đai 3 TP.HCM đi qua huyện Hóc Môn. Theo anh Sơn, không chỉ riêng anh, các kỹ sư, công nhân ở đây đều rất tự hào và quyết tâm làm việc để góp một phần công sức cho dự án trọng điểm của TP.HCM cũng như cả nước. "Được làm việc là vinh quang" - là câu mà anh Trần Văn Thảo (quê Bến Tre) nói với phóng viên trên công trường thi công vành đai 3 qua huyện Hóc Môn. Ngồi trong khoang máy với cái nóng hầm hập giữa trưa, anh Thảo đang điều khiển cẩu chuyển các khung thép vào vị trí cho đồng nghiệp thử tĩnh cọc. "Việc của mình gắn với công trường nên dù nắng nóng hay sương đêm mình cũng quen rồi" - anh Thảo chia sẻ. Đang lắp đặt hệ khung chống cầu vượt qua sông gói XL3 thuộc dự án vành đai 3 qua TP Thủ Đức, các anh Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Hận hồ hởi khi thấy phóng viên đến ghi hình. Anh Chung đại diện nhóm thi công kể, hơn chục ngày nay, các anh tập trung vào thi công hệ khung chống và cừ lá sen, thi công trụ móng cọc cầu vượt sông. “Vất vả lắm, nhưng đây là dự án điểm, nắng nóng mấy cũng không sờn chí”. Công trường nắng nóng với bốn bề đất cát và trang thiết bị thi công, một công nhân phải dựng tạm tấm tôn chắn đi ánh nắng mặt trời đang gay gắt để có thể ngồi giải lao đôi ba phút. Các anh Nguyễn Quốc Khanh, Nguyễn Văn Hồng rửa mặt, tiếp nước để giải nóng trên công trường. Dù công trình mới khởi công từ tháng 1-2024, ông Nguyễn Quang Huyên - Công ty CP đầu tư và xây dựng Phương Thành - Chỉ huy trưởng gói thầu XL7, tuyến vành đai 3 qua huyện Hóc Môn (bìa trái) cùng các kỹ sư, công nhân đã nhanh chóng bắt tay vào việc. Theo ông Huyên, công tác thi công tại hiện trường do Công ty Phương Thành đảm nhận đã khoan và hoàn thành tổng số 31/162 cọc D1500. Hiện nay, đơn vị đã ép xong móng cọc bệ căng dầm, đang chuẩn bị làm móng bệ đúc dầm, xong nén tĩnh trụ T10 tuyến cao tốc và T8 tuyến song hành trái. Sà lan cũng được đưa đến để vài hôm nữa sẽ thi công cầu vượt sông. Toàn gói thầu XL7 qua huyện Hóc Môn phụ trách thi công các hạng mục cầu K2, cầu vượt QL22, cầu Kênh Xáng tuyến cao tốc và cầu tuyến song hành trái. Phạm vi xây dựng có chiều dài khoảng 4km. Hiện nay, các nhà thầu cơ bản đáp ứng tốt tiến độ thi công cũng như kế hoạch giải ngân mà chủ đầu tư đề ra. Không ồn ào, nhộn nhịp như bên trong công trường, phía bên ngoài, người đàn ông 62 tuổi đang miệt mài làm sạch con đường. Dù sáng sớm, hay phải "đội nắng" giữa trưa, khi nào tiếng máy móc công trường vang lên là ông Trịnh Xuân Mai lại bắt đầu công việc. Mỗi ngày, ông Mai phụ trách dọn phần đất cát do xe công trình vương vãi ra đường và điều tiết giao thông qua lại trên Tỉnh lộ 15. Dù đã nghỉ hưu, nhưng khi nghe có công trình lớn cần người, ông đã bắt xe từ Kiên Giang lên đây làm được 6 tháng nay. "Giờ già cả rồi, việc này phù hợp với sức mình, có đồng ra đồng vô trang trải cuộc sống, hơn nữa lại có chỗ ăn ở trong đơn vị, có thêm những đồng nghiệp cùng chia sẻ buồn vui sau giờ tan ca thì còn gì bằng" - ông Mai bộc bạch. Gần hai tuần theo chân các kỹ sư, công nhân trải nghiệm thi công tại các gói thầu trên vành đai 3 TP.HCM, có những lúc chính phóng viên bị choáng bởi cái nắng kinh hoàng, không thể mở nổi mắt mình vì bụi công trường hay khi hàn xì làm cho cặp mắt không thể đau rát hơn nữa. Thế nhưng, kỹ sư, công nhân ở đây lại coi những điều ấy rất bình thường. Và giữa khung cảnh thi công tất bật ấy, những nụ cười này như xua tan mọi sự vất vả. Các anh Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Hận thể hiện sự quyết tâm thi công hết mình trên công trường vành đai 3 TP.HCM. Khi mọi người trở về quây quần bên gia đình, thì ở công trường vành đai 3 TP.HCM, những "chú ong" cần mẫn tiếp tục làm việc xuyên màn đêm. Anh Đặng Văn Nhàn - Cán bộ kỹ thuật giám sát chất lượng hạng mục nhà thầu CK4, gói thầu XL6 qua huyện Củ Chi - đang cùng nhóm của mình thi công đưa các lồng sắt xuống cọc để chuẩn bị đổ bê tông. Mọi người bắt đầu ca làm việc buổi tối từ khoảng 19 giờ đến 4 giờ sáng thì thay ca. "Thời tiết ban ngày rất nóng, anh em làm rất cực, ban đêm thì sương xuống nhiều, cũng có những anh em chưa quen đã bị ốm. Nhưng bù lại, chúng tôi rất vui, rất phấn khích khi được làm công trình mà cả triệu người mong đợi như thế này" - anh Nhàn khoe. Sau một ngày làm việc vất vả, họ trở về lán trại để tắm rửa. Sau 30 phút, mọi người có mặt ở phòng ăn và mọi thứ đã bày sẵn chờ đón họ. Các "anh nuôi" lo toan cơm nước, dọn dẹp để anh em công nhân, kỹ sư có đầy đủ sức khoẻ, tinh thần mà tập trung thi công trên công trường. Đồng hồ điểm 0 giờ, chúng tôi chào nhóm công nhân thi công đêm để ra về. Trong khi đó, anh Đặng Văn Nhàn - Cán bộ kỹ thuật giám sát gói thầu XL6 qua huyện Củ Chi - tranh thủ mắc võng ngay tại công trình để chờ xe chở bê tông đến tiếp tục công việc.