Chuỗi cửa hàng xanh của những người khiếm thị

(PLO)-  Một chuỗi cửa hàng sống xanh do những người khiếm thị vận hành và câu chuyện thú vị đằng sau khiến nhiều người cảm động, cảm phục.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cửa hàng sống xanh Limart Zero Waste, nằm ở 353T Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM, thành lập từ năm 2018. Đây là cửa hàng được vận hành bởi những người khiếm thị. Người vận hành chính của cửa hàng là Nguyễn Thị Minh Thư (27 tuổi), một cô gái khiếm thị bẩm sinh.

Nhiều mô hình sống xanh độc đáo

Ngay từ khi còn đi học, bản thân Thư đã thích những mô hình sống xanh và tham gia nhiều hoạt động thu gom rác thải nylon để góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng do thời sinh viên có kinh phí hạn hẹp và cách làm chưa tốt nên dự án chỉ tồn tại được vài tháng. Sau khi tốt nghiệp, ý tưởng bảo vệ môi trường kéo Thư bén duyên với công việc hiện tại.

Thời điểm đó, Thư gặp chị Nguyễn Thị Kim Hằng, người sáng lập chuỗi cửa hàng sống xanh, cũng là người nghiên cứu máy dệt bao nylon cho người khiếm khuyết. Sau khi làm việc một thời gian, Thư được chị Hằng giao quyền vận hành cửa hàng.

Minh Thư sắp xếp những sản phẩm sống xanh trên kệ hàng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Minh Thư sắp xếp những sản phẩm sống xanh trên kệ hàng. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài cửa hàng ở đường Nguyễn Trãi, còn có hai cửa hàng sống xanh khác trên địa bàn TP do những người yêu môi trường vận hành, nhập hàng ở Limart về bán và cũng thực hiện mô hình gom túi nylon.

Mô hình sống xanh nổi bật ở cửa hàng chính là đổi bao nylon lấy nông sản. Khách hàng chỉ cần mang túi nylon đã làm sạch đến đổi lấy nông sản. 1 kg túi nylon tương ứng 1 kg nông sản là rau củ quả... Thư cho biết: “Các túi nylon sau đó sẽ được chuyển đến nơi ở của những người khiếm khuyết để gia công thành các vật dụng như ví, túi xách, túi đựng laptop… 80% lợi nhuận của cửa hàng này chúng tôi dùng để trao học bổng cho những người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn”.

Ngoài ra, cửa hàng còn bán những đồ dùng thân thiện với môi trường như bàn chải đánh răng bằng tre, ống hút tre, sáp thơm có chiết xuất từ thiên nhiên… phục vụ những người yêu thích lối sống xanh. “Đặc biệt, cửa hàng chúng tôi còn kinh doanh theo hình thức refill (làm đầy). Mọi người có thể mang chai nhựa của mình đến mua chất lỏng nước rửa chén, nước giặt sinh học... Đây là hình thức tái sử dụng vỏ chai nhựa nhằm bảo vệ môi trường, còn giúp tiết kiệm nữa” - Thư say mê kể về những mô hình xanh của cửa hàng.

Vỡ òa vì cửa hàng quá thú vị

Đến đây tôi mới vỡ òa vì cửa hàng quá thú vị. Ngoài bán những sản phẩm xanh bảo vệ môi trường thì đặc biệt cửa hàng còn được quản lý bởi các bạn khiếm thị. Những túi xách được các bạn ấy gia công từ bao nylon cũng rất đẹp. Các bạn tuy khiếm khuyết nhưng thật sự rất giỏi, tôi rất nể phục các bạn.

MỸ TIỀN, khách hàng

Nhiều cái khó không thể nào kể hết

Thư kể lại những ngày đầu mở cửa là chuỗi ngày khó khăn, thậm chí có khoảng thời gian cửa hàng phải ngưng hoạt động vì dịch. Là một người khiếm thị bẩm sinh, trong quá trình làm việc Thư đã gặp nhiều khó khăn, đến mức “không thể nào kể hết được”.

Vì thị lực chỉ còn 3/10 nên Thư không thể nào làm việc trôi chảy như người bình thường. Đôi khi cô hay xếp lộn hàng trên kệ, không thấy rõ hàng hóa khách trao đổi, làm đổ hàng là chuyện bình thường. Thậm chí Thư còn “chuyên” thối nhầm tiền cho khách.

Mỹ Tiền mang theo một vỏ chai nhựa để mua nước rửa chén. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Mỹ Tiền mang theo một vỏ chai nhựa để mua nước rửa chén. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Những lần thối nhầm đó, khách hàng đều chủ động trả lại tiền thừa cho Thư hoặc nhắc nhở rất nhẹ nhàng, vui vẻ. “Những bạn tìm đến đây đa phần là vì yêu môi trường. Mà người yêu môi trường thì rất dễ thương. Nên những lần tôi bán hàng cho khách, không may gặp chút trục trặc thì khách vẫn luôn vui vẻ, hài lòng và không khó chịu” - cô gái trẻ khiếm thị tươi cười nói.

Trong quá trình vận hành, Thư hầu như tự lực làm tất cả, trừ việc gì khó quá sẽ nhờ đến sự hỗ trợ của chị Hằng và các bạn mắt sáng, ví dụ những việc trong khâu giao hàng hay làm việc với các bên đối tác, kiểm kê.

Bên cạnh khó khăn vẫn đi kèm với nhiều niềm vui thú vị. Thư kể hằng ngày bán hàng cô được gặp nhiều khách rất dễ thương. Có nhiều bạn học sinh cấp 3 đến đổi bao nylon và mang chai nhựa đến “refill đầy bình đi chị”.

“Các học sinh bày tỏ rất thích cửa hàng này, đó giờ chưa thấy chỗ nào bán nhiều đồ sống xanh như vậy. Vừa đến đổi túi lấy nông sản, vừa mua được những sản phẩm cực kỳ thân thiện với môi trường. Học sinh cấp 3 đã có lối sống xanh như vậy thì tôi tin rằng từ từ rồi tất cả mọi người cũng sẽ có ý thức bảo vệ môi trường” - Thư bày tỏ.

Chăm chú lựa mua vài món hàng trên chiếc kệ cũng được tái chế từ can đựng nước, Mỹ Tiền (21 tuổi) cho biết đây là lần đầu cô đến cửa hàng này. Cô mang theo một vỏ chai nhựa để mua nước rửa chén đổ đầy cái chai ấy.

“Mô hình này mà được nhân rộng toàn TP sẽ rất có ích cho việc bảo vệ môi trường. Chắc chắn những lần sau tôi sẽ rủ bạn bè đến đây để đổi bao nylon lấy nông sản và mua những sản phẩm xanh. Đó cũng là cách tôi lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người xung quanh” - Mỹ Tiền bày tỏ.•

Ao ước lan tỏa lối sống xanh khắp nơi

Theo lời Thư, trước đây rất ít người biết đến mô hình đổi bao nylon, có hôm chỉ được một, hai người đến đổi. Vì thế rau củ quả để lâu bị hư hỏng nhiều. Cửa hàng thu cả tuần mới được 10-20 kg nylon thì không đáng kể so với lượng nylon TP hằng ngày đang thải ra.

“Tôi muốn số lượng túi nylon phải được giảm nhiều hơn nữa. Đặc biệt, tôi ao ước trong tương lai sẽ mở ít nhất mỗi quận một trạm sống xanh để thu túi nylon, refill giảm chai nhựa và bán sản phẩm thân thiện với môi trường” - Thư nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm