Đó là giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Trong giai đoạn giáo dục cơ bản có lồng ghép một số nội dung liên quan với nhau của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo ra một môn tích hợp, thực hiện tinh giản lại, tránh tính chồng chéo giáo dục, giảm hợp lý một số môn học. Ngoài ra, còn thiết kế lại một số môn học tin học và công nghệ mang tính chất bắt buộc sẽ có định hướng rõ nghề nghiệp cho HS. Thiết kế môn học theo học phần, thiết kế hoạt động trải nghiệm theo chủ đề tạo điều kiện cho HS lựa chọn theo năng lực của HS.
Trong giai đoạn lớp 10-12, bên cạnh một số môn học, HS lựa chọn những chuyên đề phù hợp với định hướng nghề nghiệp, đặc biệt HS có quyền lựa chọn tổ hợp môn học.
Trong khi đó, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM) cho rằng tổng thể của chương trình chính thức so với dự thảo không có sự thay đổi nhiều. Chương trình phổ thông mới ở bậc THPT có giảm một số giờ so với hiện tại, tuy nhiên vấn đề đáng nói là giảm giờ không đồng nghĩa với giảm tải việc học. Thực chất giảm áp lực cho người học thì cần phải mạnh dạn đổi mới phương pháp đánh giá và cách thức thi cử. Chính hai yếu tố này mới gây áp lực cho người học.
Theo thầy Phú, thời lượng của các môn toán, lý, hóa thực tế gần như giữ nguyên, không có thay đổi là bao.
Cũng theo thầy Phú, chương trình hiện hành đang bị nhiều người góp ý, than vãn vì nặng nhưng chương trình này hàn lâm hơn. “Chỉ qua một bài về cấu tạo nguyên tử môn hóa của lớp 10 có thể thấy nội dung chương trình hàn lâm, khó hơn rất nhiều” - thầy Phú nói.
“Bản thân là một nhà quản lý, tôi chưa thấy được hơi thở của thế kỷ 21, của cách mạng 4.0, nó chưa hiện hữu trong các kiến thức của chương trình. Tôi cảm thấy chương trình mới sẽ gây khó cho người thầy và HS. Và một điều đang gây thách thức cho người thầy là việc dạy tích hợp. Liệu vài năm nữa, các trường đại học chuyên ngành sư phạm có thể đào tạo nguồn giáo viên đáp ứng nhu cầu của chương trình hay không?” - thầy Phú băn khoăn.
Là một GV, thầy Đỗ Đức Anh (Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM) cũng bày tỏ: “Chương trình mới có chiều sâu nhưng dường như kiến thức quá sâu so với trình độ của HS THPT.
GV, HS, phụ huynh trông đợi một chương trình mới cần phải có tính ứng dụng cao vào thực tế cuộc sống. Chương trình mới dù nói gì cũng cần phải kế thừa những điều tích cực của chương trình cũ. Tôi mong sự đổi mới cần quyết liệt, mạnh mẽ nhưng phải có sự chuẩn bị đầy đủ và không gây bất ngờ đối với thầy và trò”.