Chương trình phổ thông mới: Thiếu một triết lý giáo dục

Bản dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể (GDPT) của Bộ GD&ĐT đã cho phép hình dung một chương trình GDPT được đổi mới rất nhiều theo hướng tích cực khi so sánh với chương trình giáo dục hiện hành. Theo đó sự nặng nề quá tải với những kiến thức “hàn lâm” của chương trình hiện hành được thay thế bằng một chương trình linh hoạt và năng động hơn với sự tích hợp và liên kết các môn học tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại; vai trò bị động và thụ động của học sinh (HS) được chuyển thành chủ động và sáng tạo hơn bằng các môn học tự chọn tăng dần theo từng cấp lớp.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào nội dung văn bản đó, ta có thể nhận thấy những sự bất cập và nhược điểm của chương trình được dự báo trước.

Không nêu ra được triết lý giáo dục

Việc đầu tiên của quá trình xây dựng chương trình giáo dục là phải nêu rõ triết lý giáo dục để xác định bản chất của nền giáo dục (đó là nền giáo dục dân chủ phục vụ nhân sinh hay là nền giáo dục phục vụ cho một lý tưởng nào đó…) và định hướng cho những giá trị tổng quát của con người mà chương trình ấy hướng tới. Nhưng chương trình tổng thể này không đưa ra được triết lý giáo dục của nó nên mục tiêu giáo dục của chương trình cũng trở nên thiếu tính khái quát, chỉ tập trung vào “những yêu cầu cần đạt” khá chi tiết nhưng lại không đầy đủ.

Nếu muốn phát huy được những ưu điểm của chương trình này thì việc quản lý - điều hành giáo dục phải chuyển từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế dân chủ-khoa học, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường và cho các nhà giáo. Do vấn đề chuyển đổi cơ chế không được đề cập nên “điều kiện để thực hiện chương trình” vẫn giữ nguyên theo cơ chế hiện hành (dựa trên các điều lệ và văn bản pháp quy hiện tại). Với cơ chế như vậy, chương trình mới với những ưu điểm của nó khó có thể được thực hiện tốt.

Chương trình mới linh hoạt và năng động đòi hỏi giáo viên phải có thêm quyền để chủ động với công việc giảng dạy và quản lý lớp học. Ảnh: H.HÀ

Phải đầu tư rất nhiều

Nếu đối chiếu với chương trình học tự chọn theo khuôn mẫu quốc tế thì chương trình dự thảo của Bộ còn thiếu rất nhiều điều kiện để có thể thực hiện tốt. Chương trình học tự chọn của Hoa Kỳ phải có một quỹ các môn học vô cùng phong phú trên mọi lĩnh vực giáo dục mà ở Việt Nam chưa thể có được. Nó cũng đòi hỏi rất nhiều phòng học (với các trang thiết bị chuyên dùng) để tổ chức lớp học cơ động theo môn học chứ không theo các lớp học cố định như ở Việt Nam hiện nay.

Hơn nữa việc lựa chọn môn học không chỉ theo ý muốn chủ quan-cảm tính của HS mà phải có sự hướng dẫn của đội ngũ cố vấn học tập (councellor) để chọn được đúng môn trưởng (major) và các môn thứ (minor) thì chương trình tự chọn mới có đủ giá trị khoa học. Bên cạnh đó, quy trình dạy học phải áp dụng học chế tín chỉ (credit) chứ không theo niên chế như ở Việt Nam hiện nay.

Muốn đáp ứng đầy đủ những điều kiện trên, chúng ta chẳng những phải đầu tư rất nhiều cho cơ sở vật chất nhà trường; mà quan trọng hơn là phải đổi mới toàn bộ công tác đào tạo giáo viên và chuyên gia giáo dục, đổi mới toàn bộ cơ chế quản lý-điều hành giáo dục và cả hệ thống tổ chức nhà trường. Đó là những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua nếu muốn thực hiện thành công Chương trình GDPT tổng thể theo dự thảo của Bộ GD&ĐT.

Đã lường trước được những khó khăn đó, người viết bài này chưa dám mơ tới một chương trình học tự chọn cho nhà trường phổ thông Việt Nam mà chỉ mong xây dựng được một chương trình phân ban hiện đại, như kiểu Chương trình Tú tài phân ban Pháp rất thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam và đã được áp dụng thành công với Chương trình trung học tổng hợp đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975.

TSKH PHẠM ĐỖ NHẬT TIẾN, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT:

Thay đổi sứ mệnh nhà trường phổ thông

Chương trình phổ thông mới: Thiếu một triết lý giáo dục ảnh 3
Để thực hiện thành công chương trình GDPT tổng thể cần có sự đổi mới căn bản, toàn diện tổ chức và hoạt động của nhà trường. Một trong những yêu cầu đó là thay đổi sứ mệnh của nhà trường phổ thông. Cho đến nay, nhà trường phổ thông Việt Nam vẫn là nhà trường truyền thống, với sứ mệnh chủ yếu là chuẩn bị những con người theo tư duy hàng loạt nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.

Việc chuyển sang giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực là việc chuẩn bị con người vì sự phát triển nhân cách cho mỗi cá nhân và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Vì thế, một điều kiện tiên quyết trong việc đảm bảo thực hiện chương trình GDPT mới là làm rõ sự thay đổi sứ mệnh này và thể chế hóa nó trong điều lệ nhà trường.

Ngoài ra, đổi mới trong giáo dục ngày nay cần nhìn nhận trong toàn bộ hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục mầm non, GDPT, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH và giáo dục thường xuyên. Trong đó, giáo dục mầm non cần được chú trọng hơn nữa để đảm bảo mọi HS có bước khởi đầu tốt và công bằng. Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục ĐH và giáo dục thường xuyên cần có sự đổi mới tương ứng để kế thừa và phát huy những năng lực mà HS đã có sau khi hoàn thành giáo dục cơ bản hoặc GDPT. Những điều này cần bổ sung vào dự thảo chương trình để khắc phục kiểu đổi mới chắp vá vốn là đặc trưng của giai đoạn trước.

CHÂN LUẬN ghi

Cũng vì thiếu triết lý nên chương trình không quan tâm đến vấn đề đổi mới cơ chế quản lý điều hành giáo dục - một điều kiện quyết định sự thành bại của chương trình GDPT mới nói riêng và của cả công cuộc đổi mới giáo dục nói chung.

LÊ VINH QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm