Chuyện chưa kể của bác sĩ và bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa cắn

Chiều 11-9, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết anh Phan Văn Tâm (38 tuổi, ngụ Tây Ninh), người bị rắn hổ mang chúa cắn trải qua thời gian hơn 3 tuần điều trị đã đủ tiêu chuẩn để xuất viện.

Bắt lên biết rắn độc, sợ chết xanh mặt

Nằm trên giường bệnh, anh Tâm rất tươi tỉnh, nói chuyện rõ ràng, hoạt bát. Anh Tâm kể lại vào sáng sớm ngày 19-8, anh chở hai con trai ra đồng để đi thăm bẫy rắn và trong lúc vây bắt thì xảy ra tai nạn.

Công việc bẫy rắn anh mới làm vài tháng do bị tai nạn giao thông gãy chân mới đây, không thể làm được việc nặng.

Anh kể lúc tai nạn xảy ra, anh nhờ con trai 9 tuổi xuống coi bẫy có rắn không thì con trai báo có con rắn to mắc lưới. Anh dặn con đuổi con rắn để chặn đường vây bắt thì con rắn chui mình xuống dưới cỏ.

“Thấy đám cỏ nhúc nhích, tôi quỳ đầu gối xuống đè nó để không cho nó chạy và lấy hai tay chụp con rắn, không ngờ chỉ bắt dính được một tay phải, tay trái bị trượt nên bị con rắn cắn ngay vào đùi phải”- anh Tâm kể.

Anh Phan Văn Tâm, bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn khi vây bắt cùng vợ. Ảnh: HL

Theo anh Tâm, khi bị con rắn cắn và bắt lên anh mới biết đó là rắn độc. Anh sợ sẽ chết nên bằng bản năng sinh tồn anh mượn người cắt cỏ gần đó một cọng dây ràng để làm garo vùng đùi bị rắn cắn lại. Khi con rắn vẫn còn trên tay, anh năn nỉ một số người chở đi bệnh viện nhưng không ai đưa đi cả. Lúc này, may mắn có một người tài xế taxi chạy ngang qua và đưa anh đi.

“Lúc đó cũng sợ chết lắm, tôi kêu anh tài xế chạy nhanh lên chứ không tôi sẽ chết trên xe mất. Đến bệnh viện, họ quấn miệng con rắn lại và bỏ vô bao là tôi hết biết gì cả”- anh Tâm kể lại.

Khi tỉnh lại và trải qua quá trình điều trị, anh Tâm cũng nhiều lần rơi vào nguy kịch khi rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng, nhiễm độc do vết thương bị rắn cắn dần hoại tử.

Anh Tâm chia sẻ khi tỉnh táo, anh mượn điện thoại để nói với người thân vào bệnh viện để nhìn mặt lần cuối, sợ sẽ không sống nổi vì nọc độc của rắn mạnh quá.

Sau khi vượt qua nguy kịch và ổn định sức khỏe, anh Tâm bày tỏ lòng biết ơn với các y bác sĩ đã cố gắng cứu chữa cho mình. Anh cảm ơn các mạnh thường quân, cơ quan truyền thông đã hỗ trợ đưa tin, giúp anh có tiền trang trải viện phí. Sau khi ra viện, anh dự tính sẽ không còn bẫy rắn nữa vì công việc quá nguy hiểm.

2/8 ca bị rắn hổ chúa cắn được cứu sống

Trước đó, vào ngày 19-8, anh Tâm vây bắt con rắn hổ chúa thì bị cắn và được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng nguy kịch. Sau đó, tình trạng anh Tâm chuyển biến xấu khi rơi vào rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng, nhiễm độc vết thương nguy kịch.

Trực tiếp điều trị và hội chẩn nhiều lần về ca bệnh, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân Phan Văn Tâm là ca thứ 8 bị rắn hổ mang chúa cắn và là ca thứ 2 được cứu sống sau 16 năm, kể từ ngày thành lập đơn vị.   

Theo BS Hùng, rắn hổ chúa là loài rắn độc nhất trên cạn, gây nhiễm độc thần kinh nặng, diễn tiến tử vong nhanh, có khi chỉ tính bằng phút. Nhiều bệnh nhân tử vong trước khi kịp đến cơ sở y tế hoặc chết vì bệnh cảnh viêm cơ tim, hoại tử toàn bộ cơ quan dẫn đến tổn thương đa tạng sau đó.

BS Hùng nhận định ca bệnh được cứu sống nhờ kinh nghiệm 16 năm “chắt chiu” điều trị, phán đoán sớm các biến chứng bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn có thể gặp chứ không đợi đến khi biến chứng xảy ra.

BS Hùng nhớ lại 12 tiếng sau khi vào BV, bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên từ kinh nghiệm “xương máu” từng điều trị cho các bệnh nhân trước đây, các bác sĩ tiên lượng nọc độc của rắn sẽ tấn công lên tim.

Như dự đoán, ngày thứ 2 nhập viện, tim bệnh nhân có tình trạng rối loạn nhịp. Ê kíp đặt máy tạo nhịp tim do bác sĩ CK2 Kiều Ngọc Dũng, Phó Khoa Điều trị Rối loạn nhịp BV Chợ Rẫy trực tiếp đặt máy tạo nhịp cho bệnh nhân ngay tại giường bệnh chứ không đưa vào đơn vị điều trị rối loạn nhịp như thông thường do nguy cơ tử vong trên đường di chuyển cao.

Các y bác sĩ chia sẻ về quá trình điều trị cho bệnh nhân bị rắn hổ chúa cắn. Ảnh: HL

Hai tiếng sau, bệnh nhân tiếp tục mệt mỏi, lừ đừ nên được các bác sĩ “đi trước đón đầu” chuyển bệnh nhân về Khoa Hồi sức cấp cứu và cho lọc máu để khống chế tình trạng nhiễm trùng trước cả khi có kết quả xét nghiệm tình trạng nhiễm độc. Thế nhưng, bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng, từ tự thở quay trở lại lơ mơ và thở máy.

“Đêm ngày thứ 2, bước sang ngày thứ 3, chúng tôi nghĩ khó giữ lại bệnh nhân”- BS Hùng chia sẻ.

Thế nhưng, còn nước còn tát, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu phối hợp với Khoa Bệnh Nhiệt đới và Chấn thương Chỉnh hình cố gắng xử lý phần da thịt hoại tử, tránh phóng thích chất độc vào trong mô, “giành” phần thịt còn “sống” cho bệnh nhân nhiều nhất có thể.

Bên cạnh đó, các bác sĩ phải trắng đêm thay huyết tương, lọc máu cho bệnh nhân, phối hợp với kháng sinh phổ rộng liều cao, hội chẩn chuyên khoa huyết học để bàn cách kích thích hệ miễn dịch và lọc càng nhiều chất độc hoại tử ra ngoài càng tốt. Vào sáng hôm sau, bệnh nhân đáp ứng với các phương pháp điều trị và cải thiện.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng-Tạo hình BV Chợ Rẫy, cho biết bệnh nhân có đến 5% vùng da trên cơ thể hoại tử và đã được xử lý ổn định, đặc biệt bảo tồn được chức năng sinh lý, đủ tiêu chuẩn xuất viện. Khớp háng bệnh nhân có sẹo có thể ảnh hưởng vận động nên cần tái khám và theo dõi về sau.

 

Trước đó, như PLO đã thông tin, vào sáng 19-8, anh T. vây bắt con rắn hổ mang chúa dài hơn 2,5 m, nặng 4,6 kg và bị cắn vào đùi phải. Anh ôm con rắn đang quấn vào tay và được đưa đến BV Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Do tình trạng nguy kịch nên bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy (TP.HCM). 

Bệnh nhân sau đó đã mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ. Tuy nhiên, sau đó, tình trạng anh chuyển biến xấu và chuyển Khoa Hồi sức cấp cứu tiếp tục điều trị, cho lọc máu đào thải chất độc. Quá trình điều trị, bệnh nhân đã được truyền tổng cộng 20 lọ huyết thanh kháng nọc rắn.  

Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh Tâm khi vây bắt rắn hổ chúa, nhiều tấm lòng đã ủng hộ viện phí giúp anh. Sau khi trải qua cơn nguy kịch, biết được hoàn cảnh khó khăn của một bệnh nhân nặng đang điều trị trong Khoa Bệnh Nhiệt đới, vợ chồng anh đã quyết định tặng lại 80 triệu đồng cho bệnh nhân này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm