Chuyện con sư tử đá

Trước đó đã có hàng loạt bài viết trên các báo cùng nhiều hội thảo về các “linh vật ngoại lai” - chủ yếu là những đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc - đã xâm lấn vào các cơ sở thờ tự, di tích lịch sử văn hóa cũng như chiếm lĩnh mặt tiền một số công sở. Và ngành văn hóa cũng đã có đề nghị di dời các cặp sư tử đá ngoại lai này khỏi cửa vào các cơ quan công quyền. Những đôi sư tử đá trắng xù bờm giơ vuốt nhe nanh này khởi đầu án ngữ tại nhiều cửa chính các công ty lớn, các dinh thự rồi như một hiệu ứng dây chuyền đã âm thầm len lỏi vào các đền chùa, di tích rồi lấn sang chiếm lĩnh mặt tiền các cơ quan công quyền!

Thật ra những con sư tử đá này chả phải là linh vật gì cả mà chỉ là tượng trang trí ở các dinh thự để tạo sự uy nghi, sang cả mà thôi. Bởi linh vật ở Đông phương chỉ có tứ linh là: Long - Lân - Quy - Phụng, bắt nguồn từ bốn linh thần của tín ngưỡng dân gian là: Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước. Trong đó ba linh vật đầu là do sự tưởng tượng và thêu dệt của người Trung Hoa cổ, về sau lan đi các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, trong đó có Việt Nam. Với trí tưởng tượng của người xưa thì con rồng (Long) có thân rắn, vảy cá chép, đầu lạc đà, sừng hươu, mắt tôm hùm, bụng con sò, gan bàn chân cọp, vuốt chim ưng, mũi bờm đuôi sư tử! Còn con kỳ lân (Lân) có đầu nửa rồng nửa thú, mắt quỷ, thân ngự̣a, chân hươu, đuôi bò. Chim Phụng thì mỏ diều hâu, tóc chim trĩ, vảy cá chép, móng chim ưng, đuôi công! Còn con rùa (Quy) thì không có gì khác con rùa mà ta thường thấy. Truyền thuyết về rùa xuất hiện rất sớm ở Việt Nam từ truyện tích thần Kim Quy dâng nỏ thần cho An Dương Vương, đến năm 1126 thì thấy có tượng rùa đội bia ở chùa Linh Ứng (Thanh Hóa) và mãi đến thế kỷ 15 thì mới thấy rùa đội hạc ở các chùa. Hình tượng rùa đội bia tiến sĩ ở Văn Miếu (Hà Nội) gần gũi với văn hóa dân gian Việt hơn là một linh vật. Nhưng có một linh vật thuần Việt là con nghê, thường được tạc tượng ở các cổng, sân đền chùa hoặc trang trí chạm trổ trong các xà kèo, đầu đao mái các ngôi đình cổ Việt Nam. Đặc biệt, trước cổng chùa Phật Tích (Bắc Ninh) - nơi phát tích PGVN - có một dãy tượng đá tạc những con vật hình dáng kỳ lạ không biết là những con vật gì.

Những tượng sư tử đá trong văn hóa Trung Quốc cổ thường chỉ được đặt trong các nghĩa trang gia tộc, trước các phần mộ những gia đình quan lại, giàu có để canh giữ của cải chôn theo. Còn những tượng sư tử đá trắng trưng bày đại trà tại Việt Nam hiện nay mang dáng dấp của sư tử đá Trung Quốc lai sư tử Anh quốc mà du khách vẫn thường bắt gặp mọi nơi ở Singapore (một cựu thuộc địa Anh, được gọi là “Đảo quốc Sư tử” mang đậm văn hóa Trung Quốc bởi 70% dân số là người Hoa).

Chuyện những tượng sư tử ngoại lai ấy đặt để ở đâu theo sở thích của các đại gia thì đó là chuyện bình thường, chẳng ai có quyền can thiệp nhưng khi chúng được đặt tại những vị trí trang trọng nhất ở các đền chùa, di tích và nhất là tại các cơ quan công quyền lại là chuyện không bình thường. Thực ra đó chỉ là những chuyện a dua chạy theo mốt thời thượng của các đại gia giàu nổi “trưởng giả học làm sang” thôi chứ chẳng phải là một cuộc xâm lăng văn hóa gì. Họ thấy đẹp và oai bèn mua sắm lắp đặt nhà mình, công ty mình cho “oách”, rồi mua cúng chùa để “tạo công đức”, tặng các di tích để lấy tiếng! Còn các vị sư trụ trì hay những người quản lý các di tích thấy đẹp và ít hiểu biết về lịch sử-văn hóa nên nhận để cho đặt trong các đền chùa, di tích thoải mái! Tuy vậy, chuyện tống khứ những hình tượng ngoại lai ấy là cần thiết. Nhất là tại những nơi thờ tự trang nghiêm, các di tích lịch sử văn hóa và trước bộ mặt các cơ quan công quyền.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm