Gỡ các điểm nghẽn liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB), các dự án có sử dụng đất rừng, những vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất trong cụm công nghiệp.
Đó là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành trung ương thảo luận, góp ý tại hội thảo “Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư” do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 18-12.
Chúng tôi hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến, các chuyên gia đối với từng vấn đề. Căn cứ trên các góp ý, phần nào thuộc thẩm quyền địa phương sẽ xử lý ngay, nội dung nào thuộc thẩm quyền cao hơn thì tỉnh sẽ kiến nghị giải quyết. Ông TRẦN HỮU THẾ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, |
Nhiều vướng mắc, nhà đầu tư ngần ngại
Tại cuộc hội thảo, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết Phú Yên là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, có điều kiện về đất đai đa dạng, phì nhiêu. Cùng với đó là hệ thống đường giao thông thuận tiện, có cảng hàng không kết nối với nhiều trung tâm lớn trên cả nước, rất phù hợp để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo ông Thế, việc đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn một số khó khăn nhất định khiến một số dự án đang triển khai chậm tiến độ, các nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào tỉnh còn ngần ngại.
“Một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn nêu trên đến từ việc các quy định của pháp luật về đầu tư còn chồng chéo, chưa sát với thực tế, chưa điều chỉnh kịp các mối quan hệ phát sinh trong quá trình đầu tư. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là công tác thu hồi đất, BTGPMB đối với các dự án đầu tư công nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất” - ông Thế nói.
Tỉnh Phú Yên trao giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại cuộc hội thảo. Ảnh: QUỐC vũ
Liên quan đến vấn đề bồi thường, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, thông tin: Giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tăng trưởng của tỉnh Phú Yên là 8%, nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn. Tỉnh rất quan tâm, xây dựng khung chính sách, thành lập các tổ công tác xuống địa phương hỗ trợ tháo gỡ từng dự án…
Tuy nhiên, kết quả năm 2021 công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu. Ông Tiến cho rằng việc giải ngân chậm hầu hết là do BTGPMB.
Theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ dự án quan trọng quốc gia hoặc nhóm A thì mới tách dự án BTGPMB thành dự án độc lập. Còn nhóm B, C thuộc thẩm quyền địa phương, công tác BTGPMB được thực hiện sau có quyết định chủ trương đầu tư và thường gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm theo.
Kiến nghị tách bồi thường thành dự án riêng
Với những vướng mắc như trên, ông Tiến kiến nghị được tách BTGPMB ra khỏi dự án đầu tư thành một dự án độc lập để gỡ điểm nghẽn về bồi thường.
“Theo tôi, tách bồi thường ra khỏi dự án đầu tư là rất cần thiết. Có mặt bằng sạch, đất sạch thì sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án cũng như tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Vấn đề là chúng ta phải có ứng xử như thế nào cho phù hợp, người dân và doanh nghiệp đều thuận lợi, có cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho vấn đề đất đai, khơi thông nguồn lực đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới” - ông Tiến nói.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM, ông Trần Minh Thơ, nguyên Trưởng phòng Bồi thường hỗ trợ tái định cư, Sở TN&MT TP.HCM, chia sẻ: Việc tách công tác BTGPMB ra khỏi dự án đầu tư đã được TP thực hiện 13 năm nay sau khi xin chủ trương của Chính phủ.
Theo ông Thơ, kiến nghị tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, Phú Yên cần phải đáp ứng sáu điều kiện cần và đủ khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, phải đảm bảo pháp lý về dự án có thu hồi đất; đảm bảo pháp lý, trình tự thu hồi đất; đảm bảo hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được lập, thẩm định, phê duyệt phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế, hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; đảm bảo nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư cho dân; đảm bảo nguồn vốn bố trí kịp thời để chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
“Để thực hiện được việc này, cơ quan nhà nước phải đảm bảo sáu điều kiện và thống nhất chặt chẽ, có kế hoạch rõ ràng. Việc BTGPMB không chỉ phát triển dự án mà còn phải thẩm định xem cuộc sống người dân sau khi nhận bồi thường có ổn định, phát triển chưa” - ông Thơ nói.
Ông Thơ cho rằng tỉnh Phú Yên nên chọn ra dự án cụ thể, kiến nghị được thí điểm thực hiện theo đề án tách bồi thường thành dự án độc lập mà Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội.
TS Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đánh giá: Khó khăn trong BTGPMB là cản trở lớn nhất trong việc triển khai các dự án. Ông Lộc cho biết năm 2020, trong 1.800 dự án chậm tiến độ thì có 1.000 dự án chậm do khâu BTGPMB. Ông Lộc đánh giá 50% dự án bị chậm vì bồi thường là tỉ lệ cao kỷ lục.
Theo TS Lộc, đối với doanh nghiệp, việc BTGPMB ách tắc dẫn đến mất cơ hội kinh doanh, phát triển, gây ra thêm mâu thuẫn với người dân. “Hiện nay, Chính phủ đang bàn về giải pháp phục hồi kinh tế trong hai năm tới. Chúng tôi đề nghị hai năm trong quá trình phục hồi kinh tế này, cần có các đề nghị về cơ chế đặc thù và BTGPMB là một lĩnh vực quan trọng” - ông Lộc nói.
Ông Lộc tán thành việc tách BTGPMB thành dự án độc lập. Tuy nhiên, nó không phải là “đũa thần” giải quyết tất cả, mà còn ở việc sửa đổi nhiều quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Đất đai...
Theo TS Lộc nên có hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các địa phương trong cả nước về việc này tương tự như tại Phú Yên. Ông cho rằng cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của TP.HCM và thí điểm trên phạm vi cả nước. Sau hai năm thí điểm, có thể đưa vào Luật Đất đai, Luật Đầu tư (sửa đổi) trong thời gian tới.
Chính phủ đang tháo gỡ cho địa phương, doanh nghiệp Tôi rất chia sẻ khó khăn, vướng mắc các vấn đề pháp lý tại Phú Yên. Có thể nói những vướng mắc này không chỉ riêng Phú Yên mà hầu như tỉnh nào cũng gặp phải. Việc tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư luôn được chúng tôi ưu tiên, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Bộ KH&ĐT cũng đã thành lập hai tổ công tác, tổ thứ nhất làm việc trực tiếp với các địa phương và tổ thứ hai sẽ khảo sát những khó khăn của doanh nghiệp. Sau đó, báo cáo để Chính phủ xem xét và có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ. Liên quan đến đề án thí điểm tách BTGPMB thành dự án độc lập, Bộ KH&ĐT cũng đã có tờ trình Chính phủ đối với các dự án đầu tư công cũng như các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình hiện nay, Chính phủ đang tập trung xem xét chủ yếu các dự án đầu tư công theo tinh thần Chính phủ chấp thuận thí điểm với một số địa phương và từng dự án với thời hạn cụ thể. Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc các địa phương gặp phải trong quá trình BTGPMB, ảnh hưởng đến thời gian các dự án đầu tư, đề nghị các địa phương kiến nghị từng vấn đề để trung ương xem xét giải quyết riêng. Những vấn đề nêu ra tại hội thảo hôm nay, chúng tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến của các đại biểu và tổng hợp, báo cáo đề xuất đến các cơ quan liên quan để xem xét điều chỉnh cho phù hợp. Bà TRỊNH THỊ THÚY HẰNG, Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT |
***
KỲ VỌNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP KHI ĐẦU TƯ VÀO PHÚ YÊN
Doanh nghiệp mong muốn gỡ vướng về thủ tục
Nhiều doanh nghiệp lớn thống nhất đánh giá Phú Yên có nhiều tiềm năng, đã và đang rất muốn đầu tư vào tỉnh này, họ kiến nghị những vấn đề để sớm thực hiện việc đầu tư.
Ông NGUYỄN XUÂN CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản tỉnh Phú Yên:
Mong muốn có đất sạch
Việc Nhà nước, doanh nghiệp và chủ đất muốn hài hòa lợi ích ba bên thì thường có hai giải pháp.
Thứ nhất, nếu giao BTGPMB cho trung tâm phát triển quỹ đất của địa phương có thể không tiệm cận với giá thị trường. Quy trình phê duyệt có thời gian, có hội đồng nhưng sau đó quay lại thì không như giá chúng ta thỏa thuận.
Nếu giao BTGPMB cho doanh nghiệp chuyên về GPMB để họ tự thỏa thuận bồi thường với chủ đất sẽ rất nhanh. Sau đó doanh nghiệp bàn giao, đấu giá, thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất rồi đem ra đấu giá thì nhà đầu tư tiếp cận đất sạch nhanh hơn.
Quan điểm của tôi cũng như các doanh nghiệp đầu tư vẫn ưu tiên phương án doanh nghiệp chuyên về BTGPMB tự thỏa thuận với chủ đất, sau đó có đất sạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính rồi đem ra đấu giá đất.
Ông TRẦN QUỐC DŨNG, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh:
Hưng Thịnh muốn làm các dự án quy mô tại Phú Yên
Phú Yên có tiềm năng rất lớn, nhất là kinh tế biển. Tập đoàn Hưng Thịnh rất quan tâm, mong muốn sớm triển khai các dự án lớn, quy mô và tầm cỡ tại Phú Yên.
Tuy nhiên, vấn đề BTGPMB khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, Chính phủ có đề án thí điểm tách BTGPMB thành dự án riêng và việc Nhà nước hay doanh nghiệp thực hiện công tác này là vấn đề cần phải suy nghĩ chỉ với mục đích là làm sao tạo điều kiện nhanh chóng nhất có thể nhằm có những quỹ đất để giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Tuy nhiên, cái nào cũng có mặt trái của nó.
Phú Yên có 190 km đường bờ biển dài và đẹp, tỉnh cũng có hơn 50% diện tích là rừng. Cơ quan chức năng cần hướng dẫn thống nhất về việc chuyển mục đích sử dụng rừng, làm song song với quá trình làm dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư, hay cái nào thực hiện trước hay sau…
Trong quá trình giải quyết dự án có liên quan đến đất rừng thì nếu thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì qua rất nhiều bộ, ban ngành, nên chăng tập trung vào Bộ TN&MT theo cơ chế một cửa tham mưu Thủ tướng để rút ngắn thời gian. Nếu thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, nên chăng đề nghị giao cho thường trực HĐND xem xét để giải quyết nhanh cho doanh nghiệp vì HĐND họp có hai kỳ một năm như hiện nay.
Ông LÊ VĂN LIÊM, Trưởng phòng kinh doanh, phụ trách các dự án đầu tư Công ty cổ phần Xây dựng Dufago:
Mong có hạ tầng trong các cụm công nghiệp
Cụm công nghiệp Tam Bình, huyện Đông Hòa, Phú Yên thành lập năm 2014, đến năm 2015 chúng tôi đã đầu tư. Từ đó đến nay, chúng tôi cũng lập dự án, cũng trình nhưng vướng mắc nhà đầu tư thứ cấp như chúng tôi thì không được đầu tư hạ tầng.
Nguồn ngân sách của tỉnh thì không dồi dào để đầu tư vào cụm công nghiệp, vì vậy nó diễn ra thực trạng như Cụm công nghiệp Tam Bình vẫn là vùng đất tiềm năng nằm trên giấy.
Để cụm công nghiệp phát triển đồng bộ, chúng tôi mong muốn có sự quan tâm, tiên phong “cởi trói” vướng mắc từ các bộ, ban ngành. Vì chờ có nhà đầu tư làm hạ tầng thì rất lâu, gần như hiện nay nhiều nhà đầu tư rút khỏi các cụm công nghiệp vì không có hạ tầng.
Ông HOÀNG NGỌC QUY,Tổng giám đốc Tập đoàn HBRE:
Vướng mắc thủ tục về đất đai
Tập đoàn HBRE là nhà đầu tư thực hiện dự án điện gió HBRE An Thọ (giai đoạn 1). Dự án có công suất 200 MW với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Có thể nói đây là dự án điện gió lớn nhất của tỉnh Phú Yên.
Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý trong quá trình xin phê duyệt chủ trương đầu tư, các vướng mắc phát sinh từ quy định chưa rõ ràng liên quan đến đất đai, đầu tư, lâm nghiệp… Do đó, chỉ riêng thủ tục xin chủ trương đầu tư dự án đã kéo dài hơn hai năm.