Chuyên gia khuyến cáo: Đừng chủ quan để hen suyễn thành gánh nặng

Với tỉ lệ tử vong chỉ xếp sau ung thư(1), hen suyễn được xem là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm của thời hiện đại. Là chuyên gia với hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hô hấp, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi Hội Hen – Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM nhấn mạnh, bên cạnh việc tầm soát sớm thì tuân thủ phác đồ điều trị chính là yếu tố then chốt giúp kiểm soát hen suyễn hiệu quả.

. PV: Thưa PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, hiện nay phần lớn bệnh nhân còn chưa tuân thủ điều trị, dẫn đến hậu quả các ca nhập viện do các đợt khó thở kịch phát vẫn rất cao, đâu là nguyên nhân chính thưa PGS?

+ PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan: Theo tôi thấy việc không tuân thủ điều trị phần lớn đến từ tâm lý chủ quan của người bệnh. Nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị thấy các triệu chứng giảm hoặc không còn nữa thì nghĩ rằng mình đã khỏi bệnh hoặc có thể tự kiểm soát được bệnh nên ngưng điều trị. Một số khác thì lại dùng thuốc cắt cơn hen để giảm nhanh triệu chứng khi vào đợt khó thở kịch phát thay vì sử dụng thuốc dự phòng để kiểm soát thường xuyên.

. Thưa bác sĩ, vậy vì sao bệnh nhân phải cần điều trị dự phòng khi họ không có triệu chứng và hen suyễn chưa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ?

+ Hen suyễn là bệnh mạn tính và không có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm căn bệnh này. Vì vậy, khi không có triệu chứng không có nghĩa là đã khỏi bệnh hoàn toàn. Diễn tiến của bệnh rất âm thầm, lâu ngày tình trạng viêm đường thở sẽ nặng hơn, các triệu chứng xuất hiện thường xuyên hơn, dẫn đến các đợt khó thở kịch phát, phải cấp cứu và nhập viện.

. Bác sĩ có thể giúp giải thích thêm lý do vì sao bệnh nhân hen cần được điều trị kiểm soát chủ động mỗi ngày theo chỉ định của bác sĩ?

Hen suyễn là bệnh mn tính, chúng ta cần phải sử dụng thuốc hằng ngày theo chỉ định của bác sĩ ngay cả khi không có triệu chứng

+ Mục đích của việc dùng thuốc Corticoid dạng hít để điều trị hàng ngày là nhằm giúp người bệnh không phát tác các triệu chứng hen khi nghỉ ngơi, duy trì sự bình thường của chức năng phổi, hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc cắt cơn, kiểm soát hiệu quả các cơn hen cấp tính…(7) Do đó, dù không có triệu chứng, bệnh nhân cũng phải kiên trì sử dụng, có khi là duy trì sử dụng suốt đời để tiến tới kiểm soát hen toàn diện, giúp người bệnh có thể sinh hoạt bình thường với hơi thở nhẹ nhàng mỗi ngày.

. Trong giai đoạn dịch cao điểm như hiện nay, hen suyễn nằm trong nhóm nguy cơ cao phải nhập viện và tỉ lệ tử vong cao khi mắc COVID-19, bác sĩ có lời khuyên nào với các bệnh nhân hen để kiểm soát và phòng ngừa?

+ Theo nghiên cứu, những người mắc hen ở mức độ từ vừa đến nặng cộng với việc kiểm soát hen kém do không tuân thủ điều trị là đối tượng nguy cơ cao và cần được bảo vệ để không mắc COVID-19. Bên cạnh việc chủng ngừa những bệnh hô hấp nguy hiểm như ho gà hay COVID-19, bệnh nhân cần đặc biệt tuân thủ dùng thuốc kiểm soát hen suyễn hàng ngày cùng với các quy định phòng chống dịch để có sức khỏe tốt trong thời gian này.

. Bác sĩ cũng đề cập bên trên về việc bênh nhân hen thường dùng thuốc cắt cơn thay vì dùng thuốc điều trị duy trì kéo dài, xin bác sĩ có thể chia sẻ thêm về tác hại của việc này?

+ Trong quá trình điều trị, tôi gặp rất nhiều bệnh nhân lạm dụng thuốc cắt cơn, về lâu dài, thói quen này dẫn đến tình trạng nhờn thuốc. Khi gặp phải cơn khó thở kịch phát bất ngờ mà thuốc cắt cơn không còn tác dụng thì buộc bệnh nhân phải nhập viện thường xuyên để điều trị, gánh nặng về thời gian và kinh tế sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều, nguy hiểm nhất là nếu không được cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong trong gang tấc.

Tôi vẫn rất muốn khuyên bệnh nhân rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta phải chủ động kiểm soát trước khi thấy những triệu chứng của hen như ho, khó thở, nặng ngực xuất hiện thường xuyên hơn.

Tầm soát sớm khi có triệu chứng chính là một trong 2 chiếc chìa khóa vàng giúp người bệnh kiểm soát hen suyễn hiệu quả.

Với những lời khuyên hữu ích của PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan kể trên, bạn đọc hẳn đã có cái nhìn tổng quan về bệnh hen suyễn, từ đó tránh chủ quan trong việc tầm soát sớm và tuân thủ phác đồ điều trị để kiểm soát bệnh kịp thời.

Phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể cứu sống hơn 85% trường hợp bị hen suyễn(3). Do đó, bất kỳ ai nếu thấy cơ thể có các biểu hiện như: ho, khó thở, nặng ngực… cũng nên làm ngay bài trắc nghiệm nhanh để tự kiểm tra để xem mình có nguy cơ mắc hen suyễn hay không. Nếu câu trả lời “CÓ” từ 2 trở lên, bạn cần đến các phòng khám và quản lý Hen tại địa phương để được thăm khám càng sớm càng tốt.

Bài viết nằm trong Chương trình giáo dục công chúng "Trọn vẹn từng nhịp thở" do Liên chi Hội Hen Dị ứng Miễn dịch Lâm sàng TP. HCM phối hợp cùng VPĐD GSK thực hiện. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm