Ngày 16-7, trường đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học về khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh nhà chung cư và bất động sản thương mại, dịch vụ.
Tham gia hội thảo có nhiều chuyên gia là giảng viên chuyên ngành luật của các trường đại học và đại diện cho một số doanh nghiệp.
TS Nguyễn Xuân Quang trình bày tại hội thảo. Ảnh: MV
Nhiều chuyên gia nêu ý kiến về quy định pháp lý với việc mua bán căn hộ chung cư, đây là vấn đề có nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây. Theo đó quy đinh mua bán chuyển nhượng căn hộ chung cư đã được thiết lập, nhưng vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến chủ đầu tư “lách luật” gây ra những rủi ro cho người mua.
TS Nguyễn Xuân Quang, Đại học luật TP.HCM cho rằng, nội dung hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản và Nghị định 76/2015/NĐ-CP.
Nghị định đưa ra nội dung cơ bản của hợp đồng để các bên tham khảo trong quá trình thương lượng, ký hợp đồng. Do đó, nội dung hợp đồng chỉ mang tính chất gợi ý, không có giá trị ràng buộc, trách nhiệm, điều này do các bên tự thỏa thuận.
Trong đó, để bảo vệ quyền của bên mua pháp luật đã quy định thanh toán thành nhiều đợt. Điều này nhằm đảm bảo chủ dầu tư dự án phải có năng lực thực sự, đúng như cam kết, kéo dài dự án, sử dụng vốn sai mục đích.
Tuy nhiên, theo TS Quang hợp đồng mua bán căn hộ chung cư không mô tả chi tiết các yếu tố về kết cấu, bố trí căn hộ, nên khi nhận bàn giao có sự khác biệt giữa thực tế căn hộ và mô hình.
Khi đó, người mua căn hộ ở vào vị thế bất lợi hơn vì hình thức pháp lý xác lập giao dịch giữa họ không hề đề cập đến.
Nhiều đơn vị tham gia hội thảo. Ảnh:MV
Mặt khác, khi nhận bàn giao căn hộ thực tế người mua có thể yêu cầu được cung cấp văn vản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn kỹ thuật này còn lỏng lẻo. So với cam kết ban đầu là khá khó khăn vì thỏa thuận trên hợp đồng không ghi nhận rõ.
Về nội dung của hợp đồng, Ths Ngô Gia Hoàng, đại học luật TP.HCM cho rằng nhiều nội dung của hợp đồng có thể ảnh hưởng đến người mua. Những điều có thể dẫn đến tranh chấp như cách tính thời điểm bàn giao căn hộ, điều khoản về phần diện tích thuốc ở hữu chung và sở hữu riêng.
Quy định pháp luật về hợp đồng vẫn dành cho các bên một sự thỏa thuận về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, Hợp đồng mua bán theo mẫu mà chủ đầu tư soạn thảo vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi quy đinh về giao kết hợp đồng nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, thiếu sự tập trung, thống nhất.