Chuyên gia phân tích loạt sắc lệnh của ông Trump về nhập cư, xe điện, năng lượng,...

(PLO)- Trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Trump đã đảo ngược các quy định từ thời tiền nhiệm về năng lượng, xe điện, trong khi tăng cường kiểm soát biên giới phía nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký loạt sắc lệnh tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đảo ngược tiến trình của Mỹ về biến đổi khí hậu và năng lượng sạch, bao gồm việc rút Mỹ khỏi Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015.

Vấn đề năng lượng

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ tuyên bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia", mặc dù Mỹ hiện đang sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào bất kỳ thời điểm nào khác.

Ông Trump có ý định hợp lý hóa việc cấp phép và xem xét các quy định "áp đặt gánh nặng không đáng có lên sản xuất và sử dụng năng lượng, bao gồm khai thác và chế biến khoáng sản không phải nhiên liệu".

“Cuộc khủng hoảng lạm phát là do chi tiêu quá mức và giá năng lượng leo thang. Đó là lý do tại sao hôm nay tôi cũng sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia. Chúng ta sẽ khoan và khoan” - Tổng thống Trump nói.

Tổng thống Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 20-1. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đảo ngược lệnh cấm của người tiền nhiệm Joe Biden về khoan dầu ngoài khơi ở các vùng biển rộng lớn của Đại Tây Dương. Nhưng việc hủy bỏ lệnh này có thể cần đến một đạo luật của quốc hội.

"Chúng ta sẽ lại là một quốc gia giàu có, và chính vàng lỏng dưới chân chúng ta sẽ giúp làm được điều đó" - ông Trump phát biểu hôm 20-1.

Tổng thống Trump cũng có ý định hành động để chấm dứt việc cho thuê đất và nước để phát triển năng lượng gió.

Các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi khả năng các động thái của ông Trump, nếu vượt qua được những thách thức pháp lý không thể tránh khỏi, có thể làm tăng sản lượng dầu của Mỹ hoặc đẩy giá xăng xuống dưới 2 USD/gallon, như lời hứa trước đây của tổng thống.

Mặc dù Tổng thống Trump tập trung cao độ vào việc giữ giá xăng ở mức thấp, nhưng thực tế là ngay cả Nhà Trắng cũng có quyền lực trực tiếp hạn chế.

“Khi tôi làm việc cho Tổng thống George W. Bush, tôi đã rất cố gắng để tìm cây đũa thần có thể hạ giá dầu ngay lập tức. Nhưng nó không tồn tại. Tổng thống không thể cắt giảm giá dầu” - ông Bob McNally, Chủ tịch công ty tư vấn Rapidan Energy Group và là cựu quan chức năng lượng của Tổng thống Bush, nêu ý kiến.

Hành động ủng hộ của Tổng thống Trump về việc thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch của Mỹ bằng cách cắt giảm thủ tục hành chính đã nhận được sự ủng hộ của các nhà vận động hành lang dầu mỏ trong khi ngành năng lượng sạch đang chuẩn bị cho rắc rối phía trước, theo CNN.

Mỹ hiện đang sản xuất nhiều dầu hơn bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử thế giới. Và không giống như các quốc gia thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng dầu của Mỹ được thị trường tự do quyết định chứ không phải chính phủ. Chính sách của chính phủ đóng vai trò trong việc tác động đến các quyết định về nguồn cung, nhưng cuối cùng, chính khu vực tư nhân mới là người quyết định nên khoan bao nhiêu.

Cho đến nay, các công ty dầu mỏ đã ra tín hiệu rằng họ không vội tăng mạnh sản lượng. Nhiều giám đốc điều hành dầu mỏ đã rút ra được bài học từ quá khứ gần đây khi hoạt động khoan quá mức gây ra tình trạng dư cung khiến giá cả lao dốc.

Bỏ sắc lệnh về xe điện

Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố rằng một trong những hành động đầu tiên của ông khi nhậm chức là bãi bỏ sắc lệnh xe điện thời ông Biden.

“Thông qua hành động của tôi hôm nay, chúng ta sẽ chấm dứt Thỏa thuận Xanh mới và chúng ta sẽ bãi bỏ lệnh bắt buộc sử dụng xe điện, cứu ngành công nghiệp ô tô của chúng ta và giữ lời hứa thiêng liêng của tôi với những người lao động ô tô vĩ đại của nước Mỹ. Nói cách khác, bạn sẽ có thể mua chiếc xe theo ý muốn của mình” - ông Trump phát biểu.

Tuy nhiên, theo đài CNN, không có lệnh bắt buộc nào như vậy.

Vào tháng 3-2024, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã công bố các quy định mới về khí thải từ ống xả, nhằm mục tiêu 35% đến 56% tổng số xe hơi mới được bán ra sẽ là xe điện (EV) vào năm 2032.

Người Mỹ vẫn có thể mua các phương tiện truyền thống chạy bằng xăng và họ tiếp tục làm như vậy. Theo số liệu từ Cox Automotive, doanh số bán xe điện ở Mỹ đã tăng khoảng 7% trong năm 2024, đạt 1,3 triệu xe, nhưng chỉ chiếm 8% trong tổng số 16 triệu xe bán ra trong năm.

Tổng thống Mỹ Trump ký sắc lệnh hành pháp.jpg
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20-1. Ảnh: CNN

Tỉ phú Elon Musk - một người ủng hộ chính của ông Trump và là Giám đốc điều hành hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới Tesla - đã tuyên bố trên nền tảng X rằng ông ủng hộ việc chấm dứt tín dụng thuế cho người mua xe điện.

Các nhà phân tích ô tô tin rằng việc chấm dứt tín dụng thuế sẽ có lợi cho Tesla, mặc dù điều này khiến giá xe Tesla cạnh tranh hơn với xe chạy bằng xăng. Nhưng việc chấm dứt tín dụng có thể sẽ làm giảm sự cạnh tranh mà Tesla hiện phải đối mặt từ các nhà sản xuất ô tô lâu đời đang tung ra nhiều mẫu xe điện của riêng họ hơn.

Theo hãng tin Reuters, việc chấm dứt tín dụng thuế có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến quá trình chuyển đổi xe điện đang trì trệ của Mỹ.

Rút khỏi Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu

Một trong những sắc lệnh Tổng thống Trump ký ngày đầu nhậm chức là rút Mỹ khỏi Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu. Vào nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng đã đưa Mỹ ra khỏi thoả thuận này.

Hồi đầu tháng này, các nhà khoa học cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2024 lần đầu tiên vượt qua mốc 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra, chủ yếu xuất phát từ ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch, bắt đầu vượt quá khả năng thích nghi của nhân loại và thế giới tự nhiên.

GS David Wirth của Trường Luật Boston College và là chuyên gia luật quốc tế công cho biết sự thay đổi chóng mặt của việc Mỹ tham gia các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế có thể tự gây hại chính nước này.

“Tính toàn vẹn trong cam kết của Mỹ đối với vấn đề này sẽ bị đặt dấu hỏi, cũng như độ tin cậy của [nước này] với tư cách là đối tác của hiệp ước" - GS Wirth nhận định.

Đối với nhiều đồng minh của Mỹ, việc Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận là một sự phản bội lòng tin mang tính lịch sử.

Các liên minh của các tiểu bang, thành phố và doanh nghiệp Mỹ đã phản ứng với động thái của ông Trump bằng cách tuyên bố rằng họ sẽ nỗ lực đạt được các mục tiêu về khí hậu mà ông Trump đã rút khỏi.

“Bằng cách rời khỏi Thỏa thuận Paris, chính quyền này đã từ bỏ trách nhiệm bảo vệ người dân Mỹ và an ninh quốc gia của chúng ta. Nhưng hãy yên tâm, các tiểu bang, thành phố, doanh nghiệp và các tổ chức địa phương của chúng ta luôn sẵn sàng tiếp quản vai trò lãnh đạo khí hậu của Mỹ và làm mọi thứ có thể để tiếp tục chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch” - ông Gina McCarthy, cố vấn về khí hậu dưới thời ông Biden và là đồng Chủ tịch của liên minh về khí hậu America Is All In, lên tiếng.

Đưa lính trấn áp nhập cư

Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ của mình bằng cách thực hiện một loạt các hành động về nhập cư. Những hành động này bao gồm việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam của Mỹ, ngay lập tức chấm dứt việc sử dụng một ứng dụng biên giới có tên CBP One cho phép người di cư nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ, và khởi động quy trình chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh.

Các hành động này là những lời cam kết trong chiến dịch và sự tái xuất hiện của các ý tưởng chính sách không thành hiện thực trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Việc ngừng hoạt động của ứng dụng biên giới CBP One đồng nghĩa một con đường quan trọng cho những người muốn vào Mỹ đã bị đóng. Các quan chức của Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã trích dẫn ứng dụng này như một công cụ giúp giảm số lượng người di cư vượt biên bằng cách cung cấp một cách thức có trật tự để nộp đơn vào Mỹ. Giờ đây, với việc ứng dụng này không còn và các hạn chế về tị nạn đã được áp dụng, biên giới thực sự đã bị đóng lại đối với những người xin tị nạn.

Theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, hơn 936.500 người đã sử dụng thành công ứng dụng này để lên lịch hẹn trình diện tại các khu vực nhập cảnh kể từ tháng 1-2023. Cơ quan này cho biết các cuộc hẹn hiện tại đã bị hủy.

c-gettyimages-2167172665.jpg
Tổng thống Donald Trump khi đó là ứng viên tổng thống của đảng Cộng hoà tại biên giới giữa Mỹ và Mexico hồi tháng 8-2024. Ảnh: GETTY IMAGES

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam của Mỹ, qua đó kích hoạt việc triển khai thêm các nguồn lực của Lầu Năm Góc và lực lượng vũ trang để hoàn thành bức tường biên giới, cùng với các nỗ lực khác.

Sắc lệnh này cho phép Bộ Tư lệnh phía Bắc nước Mỹ đẩy lùi "các hình thức xâm lược, bao gồm di cư ồ ạt bất hợp pháp, buôn bán ma túy, buôn người và các hoạt động tội phạm khác" ở biên giới phía nam, theo tờ The Hill.

Tổng thống Trump cũng khởi động quá trình khôi phục chính sách biên giới đặc trưng của ông được gọi là "Ở lại Mexico", yêu cầu người di cư phải ở lại Mexico trong khi họ trải qua thủ tục nhập cư tại Mỹ. Chính sách này đòi hỏi sự tham gia của Mexico.

Ngoài ra, sắc lệnh của Tổng thống Trump về quyền công dân theo nơi sinh cấm các cơ quan liên bang cấp một số tài liệu mà thông thường sẽ được cung cấp cho công dân Mỹ.

Lệnh này, nhắm vào những trẻ em sinh ra sau 30 ngày kể từ khi biện pháp có hiệu lực, sẽ được áp dụng trong các trường hợp mà cha mẹ đang có mặt trái phép ở Mỹ, và trong những tình huống mà người mẹ tạm thời ở Mỹ, chẳng hạn như có thị thực tạm thời, và cha là người không phải công dân Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm