Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban bố các tình trạng khẩn cấp quốc gia về vấn đề biên giới và năng lượng. Vậy đâu là lý do đằng sau các quyết định này?
Ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới
Ngày 20-1, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam nước Mỹ, cho phép huy động thêm nguồn lực từ Bộ Quốc phòng để hỗ trợ kiểm soát biên giới, theo đài CNN.
Ông Trump đã yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng cùng các lãnh đạo quân sự "huy động các đơn vị hoặc thành viên Lực lượng Vũ trang, bao gồm Lực lượng Dự bị Sẵn sàng và Vệ binh Quốc gia, tùy theo quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng" để hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa tại biên giới.
Sắc lệnh này cũng chỉ đạo các bộ trưởng quốc phòng và an ninh nội địa phối hợp với các tổng chưởng lý các bang để điều chỉnh các chính sách nhằm đảm bảo "ưu tiên an toàn" cho nhân viên Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa hoạt động tại biên giới.
"Chủ quyền của Mỹ đang bị đe dọa. Cuộc tấn công này nhắm vào người dân Mỹ và sự toàn vẹn của biên giới có chủ quyền của Mỹ, đó là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với quốc gia. Trước tính chất nghiêm trọng và cấp bách của tình hình, Lực lượng Vũ trang cần thực hiện mọi hành động cần thiết để hỗ trợ Bộ An ninh Nội địa giành quyền kiểm soát hoàn toàn tại biên giới phía nam” - ông Trump tuyên bố.
Ông Trump cũng ký một sắc lệnh bổ sung vào ngày 20-1, yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng triển khai các kế hoạch và đánh giá liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Miền Bắc (NORTHCOM) nhằm "đóng cửa biên giới và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia”.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết rằng Lầu Năm Góc "cam kết hoàn toàn thực hiện mệnh lệnh từ Tổng tư lệnh và đang tiến hành ngay lập tức dưới sự chỉ đạo của ông Trump".
Hiện tại, khoảng 2.200 quân nhân đang làm nhiệm vụ tại biên giới, thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Chung - Bắc, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Miền Bắc. Theo phát ngôn viên của lực lượng này, các quân nhân thực hiện các nhiệm vụ như nhập dữ liệu, bảo dưỡng xe, vận chuyển, đào tạo, phát hiện và giám sát.
Tuy nhiên, chưa rõ quy mô của lực lượng tăng cường tại biên giới; thông tin cụ thể sẽ được công bố sau khi Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa hoàn thiện các yêu cầu chi tiết.
Ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng
Tổng thống Trump cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp về năng lượng, mở ra các quyền hạn mới để thúc đẩy sản xuất, theo tờ The Hill.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết, bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, ông Trump đang đặt ưu tiên của chính quyền mình là tăng sản lượng dầu trong nước và các dạng năng lượng nhiên liệu hóa thạch khác.
Động thái mà ông Trump đưa ra dựa trên Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia, trao cho tổng thống các quyền lực đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp. Lệnh này yêu cầu các lãnh đạo cơ quan liên bang xác định những biện pháp khẩn cấp có thể thực hiện để hỗ trợ sản xuất hoặc xử lý năng lượng.
Lệnh cũng bao gồm các chỉ thị khác, chẳng hạn yêu cầu xem xét việc cấp phép khẩn cấp cho nhiên liệu, cho phép bán quanh năm xăng có hàm lượng ethanol cao – loại nhiên liệu thường bị hạn chế do lo ngại về ô nhiễm không khí.
Giáo sư Amy Stein tại Đại học Florida (Mỹ) giải thích rằng quyền lực mới của tổng thống sẽ phụ thuộc vào cơ sở pháp lý của việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Những quyền lực này có thể bao gồm các biện pháp bảo vệ độ tin cậy của lưới điện hoặc cho phép mua nguồn cung cấp khí đốt trong tình huống khẩn cấp.
Bên cạnh đó, việc áp dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng – công cụ giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất – cũng được xem là một khả năng đáng chú ý.
Theo đài NPR, một quan chức trong chính quyền ông Trump, yêu cầu giấu tên khi thảo luận về các hành động sắp tới, cho biết: “Tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia sẽ mở ra nhiều quyền hạn khác nhau, cho phép quốc gia chúng ta nhanh chóng tái thiết, khai thác than và tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm, thúc đẩy thịnh vượng và củng cố an ninh quốc gia”.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trao cho tổng thống một số quyền hành pháp bổ sung. Theo Trung tâm Brennan – tổ chức chuyên nghiên cứu về các quyền hạn khẩn cấp, các luật liên quan cho phép tổng thống đình chỉ một số quy định về môi trường hoặc áp đặt hạn chế đối với xuất khẩu dầu thô.
Trung tâm Brennan và hãng tin E&E News đã phân tích cách các quyền hạn khẩn cấp được sử dụng trong lịch sử. Dù chưa có tổng thống nào ban bố “tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia”, nhưng vào những năm 1970, khi xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu hóa thạch, “tình trạng khẩn cấp về năng lượng” ở cấp khu vực đã được ban bố.
Khi đó, Tổng thống Jimmy Carter trao quyền cho các thống đốc tiểu bang đình chỉ một số quy định về môi trường, đồng thời khuyến nghị họ “hành động thận trọng” để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Mặc dù xem cuộc khủng hoảng năng lượng là ưu tiên hàng đầu, Tổng thống Carter không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Có thể có “khẩn cấp quốc gia về kinh tế”?
Theo các nguồn thạo tin của CNN, ông Trump đang xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về kinh tế nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc áp loạt thuế quan phổ quát đối với cả đồng minh và đối thủ. Đây là nỗ lực của ông Trump để tái thiết lập cán cân thương mại toàn cầu trong nhiệm kỳ hai của ông.
Tuyên bố này sẽ cho phép ông Trump sử dụng Đạo luật Quyền hạn Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế (IEEPA), trao quyền cho tổng thống đơn phương quản lý hàng nhập khẩu trong trường hợp khẩn cấp quốc gia.
Theo một nguồn tin của CNN, luật này có phạm vi quyền hạn rộng, không yêu cầu chứng minh nghiêm ngặt rằng thuế quan là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia.
Bà Kelly Ann Shaw, luật sư thương mại và cựu phó trợ lý của ông Trump, cho biết: "Tổng thống có thẩm quyền rộng rãi trong việc áp thuế quan, và IEEPA là một trong số đó”.
Ông Nick Iacovella, Phó chủ tịch Liên minh vì một nước Mỹ thịnh vượng, nhận định: "Chúng ta cần xây dựng lại năng lực công nghiệp vì an ninh kinh tế và quốc gia. Thuế quan là cần thiết để đạt được mục tiêu đó".
Mặc dù chưa có quyết định cuối cùng, đội ngũ của ông Trump vẫn đang xem xét các con đường pháp lý khác để củng cố chính sách thương mại. Theo các nguồn tin, ông Trump sẽ không ký sắc lệnh liên quan thuế quan ngay trong ngày đầu nhậm chức.
Các cố vấn của ông Trump cũng đang cân nhắc các biện pháp thay thế, gồm: (1) sử dụng điều 338 của luật thương mại Mỹ, cho phép áp "các nghĩa vụ mới hoặc bổ sung" đối với các quốc gia bị coi là phân biệt đối xử với thương mại Mỹ; (2) sử dụng điều 301 của luật thương mại Mỹ, từng được ông Trump viện dẫn để áp thuế quan đối với Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.