Chuyên gia phân tích những vết nứt 'lạ' trên đường Phạm Văn Đồng

Sự kiện đường Phạm Văn Đồng mới đưa vào sử dụng đã bị nứt đang được dư luận bạn đọc và các chuyên gia về cầu đường, kết cấu công trình, nền móng địa chất cầu đường… quan tâm.

PLO đã đem những hình ảnh và đi cùng các chuyên gia “mục kích” năm vị trí bị nứt. Từ đó nhận được các ý kiến trao đổi dưới đây.

Theo các cơ quan chức năng, đường Phạm Văn Đồng đi trên nền đất yếu nên phía dưới của các làn đường dành cho xe máy và ô tô được gia cố bằng cọc đất xi măng.

Riêng phần vỉa hè, không gia cố bằng cọc đất xi măng mà chỉ đổ đất, đá, láng xi măng, lót gạch lên đến cao độ thiết kế.

Thời gian qua, nhiều nhà dân hai bên đường được xây dựng và đổ đất nâng nền lên cao hơn vỉa hè. Trọng lượng vật liệu ở phần vỉa hè và nhà dân đã đè nặng lên cả khu vực và gây ra hiện tượng lún, kéo trượt tới phần đường dành cho xe máy, gây ra nứt mặt đường. Các vết nứt đi thẳng hoặc uốn khúc và cách vị trí bó vỉa vỉa hè từ 0,7 đến 2,2 m.


Theo các chuyên gia, lý giải trên là có thể tạm chấp nhận được với những vị trí nằm sát vỉa hè (từ 0,7 đến 2,2 m). Nhưng vết nứt ở ngay trước nhà máy thuốc trừ sâu Bình Triệu, cách vỉa hè tới gần 7 m và nằm sát bên dải bồn cây phân cách giữa phần đường ô tô bên ngoài với hai làn đường hỗn hợp bên trong là rất đáng suy nghĩ.

“Ở vị trí này rất xa vỉa hè và nhà dân nên rất khó bị ảnh hưởng bởi sự lún, trượt, kéo của hai công trình trên dẫn đến nứt mặt đường. Phải chăng ở ngay dưới vị trí này đã không được gia cố bằng cọc đất xi măng hoặc số cọc cắm xuống không đủ nên mới xảy nứt đường?” - vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Cứ cho rằng vỉa hè và nhà dân lún kéo nền đường bị nứt theo. Nhưng ở vị trí ngay chân cầu Rạch Lăng, theo hướng từ Nguyễn Xí đến Phan Văn Trị, chưa có nhà dân, công trình cao tầng mọc lên mà đường vẫn nứt?


Tương tự, gần cầu Rạch Lăng, ở chiều ngược lại theo hướng từ Phan Văn Trị đến Nguyễn Xí chưa có nhà dân, công trình cao tầng mà  đường vẫn nứt


Tại đoạn giữa nút giao Linh Đông và nút giao Tô Ngọc Vân có một vết nứt hình vòng cung kéo dài cả trăm mét.


Điều này dẫn đến phán đoán phía dưới nền hạ có thể là một cái ao, vũng trũng. “Vậy phải chăng vị trí này đã không được khảo sát kỹ để đưa ra phương án xử lý, gia cố phù hợp?” - vị chuyên gia nêu vấn đề.

Trên tuyến có năm vị trí bị nứt thì ba vị trí nằm gần kênh, rạch (Rạch Lăng hai vị trí, rạch Gò Dưa một vị trí). “Đây là những nơi trũng, gần kênh rạch nên nền đất chưa ổn định thì phải có cách xử lý, gia cố khác với các vị trí ở gò cao, nền ổn định, đất cứng” - vị chuyên gia nói.


Vị trí nứt đường, sạt lở vỉa hè gần cầu Gò Dưa

Vỉa hè ở gần cầu Gò Dưa bị nứt toác như hình dưới dẫn đến vấn đề không thể đơn giản hóa việc xử lý nền hạ vỉa hè ở các vùng giáp triền sông, rạch bằng cách không cắm cọc đất xi măng mà chỉ đổ đất đá, tráng xi măng, lát gạch granito lên trên là xong. “Không nên lấy lý do để tiết kiệm cho dân mà xử lý phần vỉa hè như thế?” - vị chuyên gia nói.


Giải thích kỹ hơn, ông cho biết cách xử lý như thế sẽ làm sạt lở cả một vùng từ mép bó vỉa hè vào sâu hơn 10 m đến miệng hố ga thoát nước.


Theo các chuyên gia, không nên xử lý vết nứt bằng cách trám trét nhựa đường trộn đá dăm đắp cao lên mặt đường hiện hữu 7-10 cm tạo thành vệt vì sẽ gây nguy hiểm cho người đi xe máy.


Cách xử lý tạm được là cắt mặt bê tông nhựa nóng dọc theo vết nứt với chiều rộng 1,5 đến 2 m, móc sâu 45 cm thành rãnh xuống đến dưới đáy nền hạ, phần đáy dưới nền hạ sẽ rộng từ 20 đến 50 cm. Sau đó sẽ gia cố phần nền hạ này đến cách mặt đường 12-15 cm rồi trải lớp sợi thủy tinh chịu được lực căng kéo lên trên. Sau đến lớp trên cùng mới trải lại bê tông nhựa nóng bằng mặt đường hiện hữu.


Theo các chuyên gia, với các triệu chứng “lâm sàng” trên thì đường Phạm Văn Đồng còn có thể nứt ở nhiều vị trí khác nhất là khi cao điểm mùa mưa đang đến.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới