Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024 (HEF) được tổ chức sáng nay 25-9, các chuyên gia quốc tế đều nhận định, TP.HCM có đủ điều kiện, tiềm năng để thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ông Yariv Ovachia, chuyên gia chính sách toàn cầu, CEO Condip Strategy Advisors cho biết, TP.HCM đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại cũng như đóng góp vào sự tăng trưởng GDP của cả nước.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang ngày càng thay đổi sâu sắc vì sự giới hạn của nguồn lực sản xuất truyền thống, tác động môi trường và sự cạnh tranh. Do đó, thành phố cần dịch chuyển sang mô hình kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
"Đổi mới và sáng tạo cần hướng đến đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất tiên tiến sẽ mở ra cơ hội mới cho thành phố về tăng trưởng năng suất, và sự thịnh vượng.
Thành phố cần đầu tư mạnh mẽ cho nghiên cứu và phát triển (R&D) vì là chìa khoá mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững trong tương lai" - ông Yariv Ovachia nói.
Theo ông Yariv Ovachia, thành phố cũng cần có chiến lược hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như các startup vì đây là những tổ chức rất năng động trong quá trình đổi mới và sáng tạo. Nhưng các đơn vị này lại vướng nhiều rào cản từ nguồn vốn đến thị trường.
Đầu tư đúng mức cho các tổ chức này sẽ đem lại những doanh nghiệp lớn mạnh cho tương lai để đóng góp vào sự tăng trưởng nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục hành trình chuyển đổi số, được xem là cấu phần cho động lực đổi mới và sáng tạo. Bằng cách tích hợp công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật vào quá trình công nghiệp sẽ cải thiện đáng kể năng suất, hiệu quả và sự cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ông Alon Shlesinger, Giám đốc điều hành INSPIRA cho biết, yếu tố và vai trò chính của Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) là hỗ trợ và xây dựng con đường cao tốc cho các công ty tại TP.HCM để đi vào "luồng kỹ thuật số". Các công ty toàn cầu chỉ làm việc với những đối tác nếu đạt được các tiêu chuẩn này.
Vì một nhà cung ứng trong lĩnh vực thực phẩm, phụ tùng vận tải, hàng không hoặc các ngành công nghiệp tiên tiến khác của Việt Nam chỉ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nếu có thể kết nối theo các tiêu chuẩn kỹ thuật số với các tập đoàn toàn cầu.
Để thực thi chiến lược C4IR thành công thì cần thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và cơ quan chính phủ. Thiết lập quan hệ đối tác và mạng lưới tạo điều kiện chia sẻ kiến thức, đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Phát triển các chương trình tài trợ và cơ chế hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Đầu tư vào các vườn ươm và chương trình tăng tốc để nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Tích hợp các hoạt động bền vững và công nghệ xanh vào các chiến lược phát triển công nghiệp. Tập trung vào hiệu quả năng lượng, giảm thiểu chất thải và quản lý môi trường phù hợp với xu hướng phát triển bền vững toàn cầu.
Cơ quan quản lý nhà nước tạo ra một môi trường pháp lý hỗ trợ các tiến bộ công nghệ và chuyển đổi công nghiệp. Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới và cung cấp các ưu đãi cho sự đổi mới.
Đồng thời, thành phố cần đầu tư vào các chương trình giáo dục và đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Hỗ trợ các sáng kiến phát triển các kỹ năng cần thiết cho các ngành công nghiệp và công nghệ mới nổi.
"Nhìn về phía trước, TP.HCM nên tiếp tục phát triển và tinh chỉnh chiến lược chuyển đổi công nghiệp của mình, tập trung vào các lĩnh vực chính như tích hợp công nghệ, phát triển nhân tài và thu hút các bên liên quan.
Việc đánh giá và điều chỉnh liên tục sẽ rất quan trọng để đảm bảo thành công của sáng kiến C4IR và đạt được các mục tiêu công nghiệp dài hạn" - ông Alon Shlesinger, Giám đốc điều hành INSPIRA khuyến nghị.