Sáng 29-9, bí thư Thành ủy TP.HCM cùng các lãnh đạo TP đã lắng nghe nhóm chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Đức… chia sẻ các giải pháp chống ngập cho TP.HCM.
Hai quy hoạch chống ngập có điểm yếu
Đánh giá về thực trạng ngập lụt ở TP.HCM, nhóm chuyên gia quốc tế cho rằng ngập đã tới mức “báo động đỏ”, nhất là qua trận ngập sau những đợt mưa lớn đầu tháng 9 vừa qua. Theo đó, TP.HCM còn 31 điểm ngập cần giải quyết và với tốc độ xây dựng như hiện nay sẽ còn những điểm ngập mới phát sinh.
Nhóm chuyên gia cũng cho rằng hai quy hoạch về chống ngập tại TP.HCM đã và đang thực hiện gồm quy hoạch 1547 do Bộ NN&PTNT lập, quy hoạch 752 do JICA (Nhật Bản) lập đang tồn tại nhiều điểm yếu. Cụ thể, quy hoạch 752 (lập năm 2002) chưa đề cập đến biến đổi khí hậu và dự báo dân số thấp hơn thực tế, còn quy hoạch 1547 (lập năm 2008) yếu trong công tác dự báo nên chưa lường hết mực nước thực tế (cao hơn mực nước thiết kế).
Từ đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị TP.HCM cần có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước, tính toán lại mực nước thiết kế; mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước thải trong toàn TP; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050 và 2065.
Cụ thể, ông I Chang Tsai, chuyên gia chống ngập từ Đài Loan, đề xuất TP sử dụng biện pháp lưu trữ nước tạm thời bằng cách sử dụng những khu đất công (khu vui chơi giải trí, công viên…) làm nơi lưu trữ nước tạm thời và tạo các thiết bị thấm mưa công nghệ mới như xây dựng vỉa hè thấm nước mưa mà Nhật Bản và Đài Loan đang làm.
Ông OlafJueHner, chuyên gia chống ngập đến từ Đức, đang chia sẻ giải pháp sống chung với lũ. Ảnh: TÁ LÂM
Còn ông Kondo Kensaku, chuyên gia đến từ Nhật Bản, đã đưa ra ba kế hoạch khẩn cấp, ngắn hạn và dài hạn để chống ngập cho TP.HCM. Với kế hoạch khẩn cấp, ông Kondo Kensaku cho rằng TP cần nạo vét khoảng 2,4 km kênh, lắp đặt ống thoát nước chính dài 2,5 km và xây trạm bơm với công suất 30 m3/giây cho vùng mục tiêu là Hồ Học Lãm và Kinh Dương Vương; tám điểm ngập gồm Gò Dầu, Tân Quý, Tân Dương, Âu Cơ, Trương Công Định, Bàu Cát, Đồng Đen và Bà Vân. Nước mưa ở những điểm ngập này sẽ thoát ra kênh Nước Đen.
Về kế hoạch dài hạn (tầm nhìn đến 2065), ngoài những giải pháp nêu trên, ông Kondo Kensaku còn đưa ra giải pháp xây dựng các kênh xả ngầm, khu chứa lũ, xây dựng hệ thống cảnh báo và chia sẻ thông tin về lũ. Ông cũng khuyến nghị tới đây, TP.HCM nên xây dựng hệ thống dự báo và cảnh báo lũ trên mạng và thiết bị điện thoại di động. Với hệ thống này, lượng mưa, mực nước… ở từng địa điểm cụ thể sẽ được dự báo sau 2 giờ, 6 giờ và 12 giờ để người dân biết và tránh ngập.
Đề xuất mô hình “sống chung với lũ”
Ông OlafJueHner, chuyên gia chống ngập đến từ Đức, cho biết TP Hamburg của Đức có một nét tương đồng với TP.HCM là cùng bị tác động của triều cường. Tuy nhiên, nếu trước đây các nước ở châu Âu chống ngập thiên về các giải pháp công trình chống lại tự nhiên thì những năm gần đây các nước châu Âu bắt đầu bước theo triết lý mới “sống chung với lũ”, tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật của tự nhiên bởi chống lại thiên nhiên có khi sẽ nhận lấy thất bại. Thực tế cũng đã chứng minh chống ngập bằng đê điều chỉ giải quyết một phần ngập. Theo triết lý này, các ngôi nhà được thiết kế để thích ứng khi mưa lũ đến, tầng trệt của ngôi nhà được sử dụng cho các chức năng phụ như là kho chứa đồ hay nơi đỗ xe, như vậy các thiệt hại do ngập sẽ không đáng kể. Song song với đó, người dân được trang bị hệ thống thông tin để sống cơ động khi nước lên và chủ động trở lại cuộc sống bình thường khi nước xuống. Ông OlafJueHner cho rằng giải pháp này phù hợp và có thể áp dụng tại TP.HCM, vấn đề quan trọng là tìm ra từng địa điểm phù hợp với từng giải pháp tốt nhất.
Cảm ơn những ý kiến chia sẻ tâm huyết của các chuyên gia quốc tế, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết ngập nước đang là thách thức mà TP phải đối mặt, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân. Trước các đề xuất, ông Lê Thanh Hải yêu cầu UBND TP giao Sở GTVT và các đơn vị liên quan nghiên cứu, ghi nhận những ý kiến, giải pháp mà các chuyên gia đã gợi mở để phục vụ cho công tác chống ngập tại TP. “Phải nghiên cứu, lựa chọn giải pháp nào khả thi, xem xét vốn đầu tư như thế nào, làm sao để tiết kiệm nhưng có hiệu quả cao nhất. Cái nào vượt quá thẩm quyền của TP thì chúng ta sẽ kiến nghị xin phép Thủ tướng thực hiện” - ông Hải nói.
Đến năm 2018 mới giải quyết hết 31 điểm ngập nặng Theo Giám đốc Trung tâm Chống ngập Nguyễn Ngọc Công, dự kiến cuối năm nay TP.HCM sẽ khởi công xây dựng sáu cống ngăn triều lớn gồm: Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định và 68 cống ngăn triều nhỏ, gần 7 km đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn giúp chống ngập cho khu vực trung tâm TP. Các công trình cống ngăn triều chống ngập này sẽ hoàn thành sau hai năm xây dựng. Vốn cho các công trình này là 9.850 tỉ đồng, được Thủ tướng phê duyệt từ nguồn cho vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. “Hiện TP.HCM cũng đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn để trong năm 2016 tiếp tục xây thêm hai cống ngăn triều lớn khác là Vàm Thuật và Rạch Nước Lên. Ngoài cống kiểm soát triều vòng ngoài, bên trong nội đô TP tiếp tục xây dựng và cải tạo hệ thống cống thoát nước, nâng cao đường trũng cục bộ thì mới hy vọng đến năm 2018 giải quyết hết 31 điểm ngập nặng hiện nay, khi đó TP mới hết ngập được” - ông Công nói. Theo các chuyên gia, với thực trạng hiện tại, TP.HCM phải tính tới tình huống xấu nhất là hơn 500 doanh nghiệp quy mô lớn và vừa, cùng 24.000 công xưởng quy mô nhỏ chịu ảnh hưởng, khoảng 12% dân số TP chịu thiệt hại thiên tai, 23% đất đai bị xói mòn không thể sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm nếu phát sinh lũ lụt lớn. |