Chuyện lạ và những kỷ lục của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước

 
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. 

Sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước từng đảm nhiệm những cương vị quan trọng trong bộ máy Nhà nước, từng được trao tặng những giải thưởng, danh hiệu cao quý. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi chỉ xin điểm lại những chuyện lạ xoay quanh cuộc đời ông cùng những kỷ lục đáng kinh ngạc mà ông lập được...

Từ "Hát giang trường hận" đến "Hồn tử sĩ"

Nhắc đến một số ca từ trong một bài hát của Lưu Hữu Phước, như: "Đêm khuya âm u/ Ai khóc than trong sương mù?/ Gió rít qua lũy tre như nghiến răng vương mối thù/ Hồn ai kia đau xót chơi vơi?/ Hồn quân Nam căm uất chưa nguôi", hoặc "Nước mắt rớt xuống/ Bao xót thương bên nấm mồ/ Khói bốc nghi ngút bay quyện lá cờ/ Chưa khô máu những con yêu thác vì nước non/ Ngàn muôn năm Tổ quốc ghi ơn", hẳn ít ai nghĩ rằng, đây chính là lời của bài "Hồn tử sĩ" vẫn được dùng trong các nghi lễ truy điệu liệt sĩ (hoặc các buổi tang lễ do một số cơ quan Nhà nước đứng ra tổ chức). Lý do đơn giản: Trong lễ truy điệu, chỉ có tiếng nhạc cất lên chứ không kèm lời, vả chăng, thời gian cũng chỉ chừng một phút nên nhiều thính giả, nhất là thính giả trẻ thời nay không biết tới phần lời của bài hát. Càng không nhiều người biết rằng, "Hồn tử sĩ" vốn dĩ tên gọi ban đầu là "Hát giang trường hận", và nội dung là để tưởng vọng gương hy sinh lẫm liệt của quân tướng  Hai Bà Trưng. Bài hát ra đời trước ngày Cách mạng thành công, là kết quả của một lần nhạc sĩ đứng trước dòng sông Hát mà xúc động hồi nhớ lại trước đó 2.000 năm, cũng tại con sông này, Hai Bà đã trầm mình tuẫn tiết.

Bài hát sau này đã được tác giả đích thân chỉnh sửa lại một chút ở phần lời và đặt lại tên là "Hồn tử sĩ" (có lẽ, nhạc sĩ được gợi ý từ câu thơ "Hồn tử sĩ gió ù ù thổi" trong "Chinh phụ ngâm" chăng?). Ngay trong kháng chiến chống Pháp, bài hát đã được sử dụng nhiều tại các buổi tang lễ tiễn đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Sau này, khúc nhạc đã được cả chính quyền ta lẫn phía chính quyền Sài Gòn chính thức sử dụng trong các lễ truy điệu...

"Duyên nợ" với các nhà thơ

Mặc dù phần lời trong một số bài hát của Lưu Hữu Phước được ghi nhận là giàu chất thơ và mang tính khái quát cao, song cũng có một số trường hợp, ông đã khiêm tốn kết hợp với một số nhà thơ để tạo nên những tác phẩm hoàn thiện đến từng "milimét" cả nhạc lẫn lời. Bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" ra đời vào năm 1947, có sự đóng góp phần lời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Trong tiếng nhạc trang nghiêm thành kính, những lời thơ chậm chậm gieo vào lòng ta bao nỗi xốn xang xúc động và chất chứa tự hào: "Sao vàng phấp phới ánh hồng sáng tươi/ Toàn Việt Nam đón chào ngày mới/ Hồ Chí Minh dắt toàn dân nước ta...". Bài hát từ lâu đã được coi là bài "Lãnh tụ ca". Hiện người dân khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm vẫn được thưởng thức giai điệu trong trẻo, thuần khiết của bài hát từ chiếc đồng hồ khổng lồ đặt trên nóc nhà Bưu điện Hà Nội mỗi khi tới lúc điểm giờ...

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (đứng giữa) và các tác giả Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng.

Việc kết hợp với một nhà thơ cùng trang lứa là Nguyễn Đình Thi để sáng tác nên một tuyệt phẩm ca ngợi lãnh tụ, sau này, Lưu Hữu Phước còn kết hợp với một nhà thơ trẻ (thuộc lứa con cháu ông) là nhà thơ Diệp Minh Tuyền để sáng tác nên bài "Tình Bác sáng đời ta" xúc động trái tim đồng bào chiến sĩ cả nước, nhất là các chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu. Chỉ cần nghe những câu "Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác/ Hồn ta sáng rực như nở hoa..." là lòng ta dạt dào niềm xúc cảm khôn nguôi. Về kỷ niệm liên quan đến bài hát này, nhà thơ Diệp Minh Tuyền từng kể: Lần ấy, vừa chân ướt chân ráo về tới Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, ông đã được thủ trưởng cơ quan là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước gợi ý viết lời cho một bài hát ông vừa sáng tác mừng sinh nhật lần thứ 80 của Bác Hồ. Ca khúc "Tình Bác sáng đời ta" sau đó đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng tiếc là không phải (như mong ước của nhạc sĩ) để mừng thọ Bác mà là để... khóc Bác.

Cũng liên quan đến các nhà thơ, Lưu Hữu Phước còn có kỷ niệm đáng nhớ với nhà thơ Tố Hữu. Nhưng ở đây, không phải Tố Hữu giúp Lưu Hữu Phước viết lời cho một ca khúc, mà là ông có thơ tặng người bạn nhạc sĩ nhân lễ thành hôn của nhạc sĩ với nhà giáo Trịnh Kim Vinh. Cái độc đáo của những vần thơ này là Tố Hữu đã đưa được tên cô dâu, chú rể một cách đầy ý nghĩa vào thơ: "Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ Cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ Bây giờ tình đã gặp tình/ Chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn".

Để giữ bí mật

Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Mặt trận cần phải có một bài ca chính thức. Ngày 20/7/1961, lãnh đạo Hội Văn nghệ giải phóng đã giao cho ba tác giả: Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng sáng tác tập thể một bài hát làm bài ca chính thức của Mặt trận. Các ông Mai Văn Bộ và Huỳnh Văn Tiểng được giao viết ca từ, trong khi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được phân công viết phần nhạc. Với tinh thần khẩn trương, bừng bừng khí thế cách mạng, chỉ trong một tuần, ca khúc "Giải phóng miền Nam" ra đời.

Sau này, nhạc sĩ Huỳnh Văn Tiểng đã kể lại:"Tôi được đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam cho biết là phải tuyệt đối giữ bí mật việc sáng tác ca khúc này. Theo đồng chí Phạm Hùng, về nội dung cần thể hiện những điểm sau: "Bài hát có tính chất Quốc ca này cần nhắm vào đối tượng không chỉ nhân dân miền Nam mà cho cả nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ; kêu gọi nhân dân Nam Trung Bộ và Nam Bộ trực tiếp đứng lên đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ tay sai của đế quốc Mỹ; nêu rõ triển vọng thống nhất đất nước Việt Nam...".

Khi nghe ba nhạc sĩ hát bài "Giải phóng miền Nam" lần đầu để duyệt, đồng chí  đã đứng lên nói to: "Được rồi, hay lắm! Vùng lên nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên! Xông pha vượt qua bão bùng! Vận nước đã đến rồi... Hay hết sức! Hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí".

Theo lời kể của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thì vì lý do bí mật, nhóm 3 người lấy bút danh là Huỳnh Minh Liêng (na ná tên họ của ba ông). Nhưng khi đưa lên Báo Nhân Dân thì không biết ai đã đọc nhầm chữ L viết hoa ra thành chữ S (trong chữ Liêng), thành thử bài hát được phổ biến dưới cái tên tác giả là Huỳnh Minh Siêng. Nhận thấy chữ Siêng cũng có cái hay (theo nghĩa siêng năng) nên Lưu Hữu Phước cũng không có ý đổi lại nữa.

Cùng chủ đề "giải phóng miền Nam", sau này, Lưu Hữu Phước còn có bài hát "Tiến về Sài Gòn" cuồn cuộn khí thế chiến đấu. Nhiều người sau này nghe những ca từ: "Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù/ Hướng về đồng bằng, ta giải phóng thành đô" đã ngỡ bài hát được sáng tác trong không khí náo nức chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 mà đâu biết rằng, tác giả đã sáng tác bài hát này cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Hiện tượng "xưa nay hiếm"

GS - NSND Quang Hải từng nhận xét về tài năng đặc biệt của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước: "Lưu Hữu Phước là người đứng đầu thể loại hành khúc và cũng có thể nói là trên thế giới xưa nay hiếm…".

Nếu so với các nhạc sĩ khác trên thế giới, ta thấy, quả đúng như vậy. Thử hỏi, kim cổ đông tây liệu có mấy người mà các ca khúc luôn được dùng trong các buổi lễ trọng như trường hợp Lưu Hữu Phước: Bài "Tiếng gọi thanh niên" được dùng làm bài hát chính thức của tổ chức Thanh niên Tiền phong (sau này được chính quyền Sài Gòn sửa lời, đặt lại tên mới là "Tiếng gọi công dân" và dùng làm Quốc ca); bài "Lên đàng" được lấy làm bài hát chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; bài "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" được xem như bài Lãnh tụ ca; bài "Hồn tử sĩ" được dùng trong các lễ tang Nhà nước; và bài "Giải phóng miền Nam" được lấy làm bài hát chính thức (coi như "Quốc ca") của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam  trước đây. Quả là hiện tượng xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là "độc nhất vô nhị".

Theo Đỗ Thành Nam (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới