“Trong một thời gian dài, con đường này là tuyến giao thông độc đạo để đến được làng Ciénega. Tuyến đường này nằm cách con đường cái khoảng 40 phút đi xe. Trên đường, người dân thường xuyên bắt gặp gấu và rắn băng ngang. Mới đây, một tuyến đường khác đã được thi công để một công ty dầu mỏ có thể lắp đặt một đường ống dẫn khí đốt”.
"Bà Maria Mateo (phải) là người già nhất làng, có lẽ đã trên 100 tuổi. Bà đã bị điếc, và cũng không còn có thể nói được. Đôi mắt mà cũng không còn nhìn thấy được nữa. Bên trái là cô Hortencia Mateo, cháu gái của bà, người đang chăm sóc bà. Hai bà cháu sống chung với nhau trên một ngọn đồi nhìn xuống ngôi làng”.
“Bức ảnh này tôi chụp khi lần đầu tiên đến thăm ngôi làng. Đây là chiếc xe đạp trẻ em, món đồ chơi duy nhất còn sót lại tại ngôi làng Ciénega để chứng minh rằng đã có trẻ con từng sống tại đây. Việc lắp đặt đường ống dẫn khí đã mang lại một ít hy vọng vì đã có nhiều người quay trở về làng để làm bảo vệ công trình. Song, tiếc thay công việc này chỉ là tạm thời, vì khi công trình hoàn tất, số người này đã bỏ làng và quay lại thành phố kiếm kế sinh nhai”.
“Đây là một trong những cơ ngơi duy nhất trong làng được xây bằng bê-tông. Trước kia đây là một trường học nhưng chỉ hoạt động được 3 năm, và đã đóng cửa cách nay 18 năm, khi những gia đình cuối cùng bỏ làng lên thành phố sinh sống. Hiện nay, ngôi trường này biến thành nơi súc vật ở, như con dê trong bức hình này”.
“Ông Bolivar Quimi đang đi bộ trên con đường chính của làng. Tất cả các ngôi nhà chung quanh đều đã bị bỏ hoang. Vợ ông, 3 người con của ông và 2 đứa cháu của ông đã bỏ làng Ciénega lên thành phố sinh sống, nhưng ông Bolivar vẫn không chịu rời xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Tất cả cư dân của ngôi làng này đều có mối quan hệ tình cảm khắng khít với mảnh đất quê hương họ”.
“Tôi đã chụp bức ảnh này 3 tuần sau khi một trong những người anh trai của bà Ignacia Quimi, cũng người của làng này, qua đời. Trong hình, bà vẫn còn đang mặc đồ tang”.
“Ông César Mateo đang ngồi nghỉ trong căn nhà của mình. Ông chưa từng lập gia đình và đang sống với người dì. Ông dành đa số thời gian trong ngày để nghe radio”. "Ngôi làng này đất đai màu mỡ nhưng dân làng lại không có hệ thống dẫn nước tưới, trong khi mưa rất hiếm. Khi tôi bắt đầu loạt phóng sự này, tôi thấy có một ao nước nằm không xa ngôi làng. Dân làng đã ra đó dẫn nước ao về tưới ruộng vườn trồng trọt, nhưng hiện nay ao nước này đã hoàn toàn khô cạn”. "Mỗi tuần đều có xe chở nước sạch đến bán cho dân làng. Trong ảnh là bà Ignacia Quimi đang chùi rửa thùng đựng nước trong khi chờ xe nước đến”. “Những chiếc thánh giá của nghĩa địa này được làm từ “wassango”, một loại gỗ rất chắc. Dân làng cũng sử dụng loại gỗ này để làm tường nhà. Truyền thống của nước Ecuador là người chết được chôn cất ngay tại ngôi làng nơi mà họ được sinh ra”. “Mỗi năm một lần, trong “Ngày của người chết”, bà con thân tộc đến thăm các gia đình có người đã chết và thăm mộ người chết. Ngày này cũng là dịp để tất cả dân làng gặp gỡ nhau, cùng nhau tổ chức một buổi tiệc tối ngay trong làng. Họ cùng nhau ăn, uống bia và nhảy múa suốt đêm”. “Ngày hôm sau buổi lễ “Ngày của người chết”, khách khứa đã ra về, tiệc đã tàn, cuộc sống quay trở về nhịp điệu bình thường của nó và ngôi làng lại rơi vào không gian yên ắng cố hữu. Đôi khi, một vài người tụ họp lại để đánh bài và uống rượu, nhưng hiếm khi có được cảnh này. Nói chung, dân làng vẫn sống, và chờ đợi…”.
"Anh Gerónimo Avelino là người trẻ nhất làng, 65 tuổi! Anh đang bắt trói một con bò để bán cho những người mà chúng ta thấy đang đứng ở phía xa trong ành. Rất hiếm khi hàng hóa và súc vật trong làng được bán ra bên ngoài”.
"Dân làng ăn các sản vật và súc vật mà họ tự nuôi và giết thịt thủ công bằng tay”.