Cách nay 23 năm, chị Trần Kim Lan, quê TP.HCM, là một trong 19 cô dâu Việt đầu tiên sang Đài Nam, Đài Loan làm dâu.
Gieo chữ Việt xứ Đài
Chị Lan kể chị vừa học xong cấp 3. Thông qua mai mối, chị theo chồng sang Đài Loan để làm vợ, làm dâu. Khi ấy nhà chồng có đông anh em lại thêm cha mẹ già, một mình chị cáng đáng việc nuôi con và lo bữa ăn cho gia đình khi tuổi vừa đôi mươi. “Sáu tháng đầu, áp lực tới mức tưởng chừng bỏ cuộc nhưng ngẫm lại mẹ già và mấy đứa em ở quê còn khó khăn, gạt nước mắt tôi tự vấn mình phải nỗ lực hơn để con mình có cả mẹ cha, mình chịu thiệt thòi để con cái mình được nuôi dưỡng, ăn học tử tế” - chị bùi ngùi.
Nhờ sự tảo tần, chị lấy được thiện cảm và hòa nhập cùng gia đình chồng. Thế rồi nghề giáo đến với chị như cơ duyên. Khi con đã lớn, chị dành thời gian đến trạm y tế gần nhà để làm thiện nguyện. Nhân viên ở đây biết chị tháo vát nên giới thiệu chị cho một trường học trên địa bàn dạy thử tiếng Việt ngay khi Bộ Giáo dục Đài Loan có chủ trương. “Không ngờ tôi tự soạn giáo trình và dạy cũng khá nên cơ quan giáo dục cho bồi dưỡng lớp kỹ năng sư phạm, về sau họ bố trí đứng lớp tiếng Việt một lèo nhiều năm nay” - chị hồ hởi.
Hiện chị xoay vòng dạy tiếng Việt từ tiểu học đến THPT, trong đó có năm lớp cấp 1, ba lớp cấp 2 và hai lớp cấp 3. Công việc lấy đi khá nhiều thời gian nhưng chị bảo thấy con cái của các cô dâu Việt chịu khó học là niềm vui để chị không quản chạy đua với thời gian để lên lớp. “Không chỉ có con em cô dâu Việt đến học mà con em bản địa cũng hứng thú đăng ký theo học” - chị nói.
Để phù hợp tiêu chuẩn đứng lớp, chị Lan đang hoàn thành bậc ĐH và học thêm ngành điều dưỡng. Cũng từ sự chịu thương, chịu khó chị đã có được gia đình đầm ấm, con trai đầu học ĐH, con gái kế đang học cấp 3. Công việc của chồng chị hanh thông, chu toàn cho gia đình cuộc sống đầm ấm.
23 năm làm dâu ở Đài Loan, nếm trải bao nhọc nhằn, tổ ấm của chị Trần Kim Lan (đứng) là hai đứa con học hành giỏi giang, gia đình chồng yêu thương và chị được làm giáo viên tiếng Việt. Ảnh: P.ĐIỀN
Chị Tô Hồng Tươi, quê Cà Mau, sang Đài làm dâu từ 14 năm trước. Chồng chị làm chủ gara sửa ô tô. Biết chúng tôi từ Việt Nam sang, chị bảo chồng lái xe cách 40 km để đến ăn tối và trò chuyện với chúng tôi dù đang mang bầu tháng thứ tám. Chị kể: “Thời gian đầu cuộc sống cũng có vấn đề này nọ như bao gia đình cô dâu khác nhưng nhờ chịu khó làm ăn, vợ chồng đã tạo dựng được cuộc sống khá đầm ấm. Cứ 2-3 năm tôi đưa cả gia đình về Việt thăm cha mẹ để con cái biết cội nguồn của mẹ” - chị chia sẻ.
Chị Tươi cũng có bốn năm đứng lớp tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nhân Đức ở TP Đài Nam. Nhu cầu học tiếng Việt càng tăng, bởi vậy chị theo học ĐH chuyên ngành giáo dục mầm non để chuẩn hóa kiến thức. Ngoài ra, chị là giáo viên ẩm thực và thông dịch viên tiếng Việt. “Để được làm giáo viên ở Đài Loan là điều không dễ. Riêng tôi tốt nghiệp THPT nên cơ hội xa vời, thế nhưng khi có cơ hội tôi đã mày mò tự soạn giáo án, biên soạn bài giảng... để thành giáo viên từ những ngày đầu đầy chênh vênh như thế...” - chị Tươi nói vui.
Hai cô dâu làm giảng viên
Chị Phan Trần Thùy Linh, quê Tây Ninh, tốt nghiệp ngành hóa phân tích ĐH Công nghiệp TP.HCM. Chị đã kết hôn và sang Đài Loan định cư hơn năm năm nay. Một lần đến cơ quan di dân liên hệ công việc, biết chị có bằng ĐH, nơi này đã gợi ý chị soạn bài đi dạy. Kết quả là chị vượt qua ba vòng phỏng vấn để trở thành giáo viên. Hiện chị là giảng viên tiếng Việt và làm nghiên cứu sinh chuyên ngành giáo dục tại một trường ĐH khá nổi tiếng của Đài Loan.
Chị Nguyễn Lệ Quân, quê Cần Thơ làm cô dâu Đài 14 năm trước. Chị thổ lộ 80% cô dâu Việt tại Đài Loan đều có những bỡ ngỡ như nhau do ngôn ngữ, phong tục, tập quán và cách ứng xử của người Đài và Việt hoàn toàn khác biệt. May thay chị sống chan hòa nên được bạn bè, gia đình giúp đỡ. Bản thân chị không cam chịu khó khăn đã vượt qua tất cả để yên bề gia thất, thăng tiến trong công việc như hôm nay. “Mình là người mẹ và mình tâm niệm chẳng có gì quý giá bằng để lại cho con vốn ngôn ngữ mẹ đẻ và cho con hiểu thêm về nhà ngoại. Tôi cũng hãnh diện khi dạy tiếng Việt trên đất Đài Loan, đây cũng là cách để truyền bá văn hóa Việt Nam” - chị Quân nói.
Chị cho biết hiện tại Đài Loan rất quan tâm đến con em của tân di dân và đào tạo rất nhiều chứng chỉ cho cô dâu nước ngoài. Nhờ vậy những cô dâu Việt như chị mới có cơ hội đến các trường để dạy. Ba năm nay, chị là giáo viên tiếng Việt của năm trường tiểu học và trường cấp 3. Không dừng ở đó, chị còn học xong thạc sĩ ở Trường ĐH Viễn Đông, trở thành giảng viên của trường này.
Chia tay các cô giáo Việt giữa khuya, dù vẫn còn nhiều câu chuyện buồn vui phận làm dâu ở xứ Đài nhưng tôi thầm cảm phục các cô đã không an phận, vươn lên với nghề giáo, gieo chữ để thế hệ thứ hai bằng bạn bằng bè...
Chú rể ở Đài Nam, Đài Loan đón chị Phan Thị Sang sang Đài làm vợ 13 năm trước. Công việc hiện tại của chị là dạy và thông dịch viên tiếng Việt tại tòa án. Chị cho hay ngoài công việc này chị còn theo học năm ba ĐH chuyên ngành thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp. “Phận làm dâu ở Đài Loan mỗi người một hoàn cảnh nhưng để có một công việc buộc chị em phải có nhiều nỗ lực” - chị Sang nói. |