Gia cảnh nhà tôi nghèo, không có tiền thuê luật sư. Tôi được bạn bè giới thiệu đến trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tại địa phương để xin hỗ trợ. Tôi lo sợ rằng nếu nhờ đến trung tâm trợ giúp thì sự việc của con tôi sẽ bị nhiều người biết đến, sau này ảnh hưởng đến tương lai của bé. Tôi xin hỏi khi nhờ đến trung tâm trợ giúp pháp lý chúng tôi có phải trả nhiều tiền không? Con tôi có được bảo mật thông tin không? Những người được trợ giúp pháp lý như chúng tôi có quyền gì?
Ông Nguyễn Văn Sâm (Lâm Đồng)
Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Người được trợ giúp pháp lý có các quyền: Thứ nhất, được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác. Thứ hai, tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý. Thứ ba, được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan. Thứ tư, yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý. Thứ năm, lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố; yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của luật này. Thứ sáu, thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý. Thứ bảy, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Thứ tám, được khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan (theo Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý).
Như vậy, với thông tin mà bạn cung cấp thì bạn không phải mất chi phí và được bảo mật thông tin về vụ án của bạn.