Em định nghỉ việc đi Nam Mỹ một vài năm”. Một ngày nọ, cô gái nói với tôi. Đủ hiểu về cô gái ấy, không chút ngạc nhiên, tôi chỉ gật đầu. Mấy tháng sau, cô nộp đơn xin nghỉ việc, một mình lên đường thực hiện ước mơ của mình.
“Mượn” tiền đi khắp thế giới
Tính đến nay, Phạm Thị Thanh Hoài - tên cô gái - đã rời Việt Nam 18 tháng và vẫn chưa hẹn ngày trở lại. Trong khoảng thời gian ấy, cô đơn thân độc mã đến 17 nước. Không tính những điểm trung chuyển như Úc, Mỹ, Singapore…, đã có 12 quốc gia Nam và Trung Mỹ in dấu chân Hoài: Mexico, Cuba, Nicaragua, Costa Rica, Panama, Columbia, Ecuador, Peru, Bolivia, Brazil, Argentina, Chile và một vùng đặc biệt nhất thế giới: Nam Cực.
Tôi biết sẽ có người hỏi: Tiền đâu để Hoài đi? Chắc Hoài giàu có hay tài giỏi lắm? Hay ai đó tài trợ cho Hoài?
Không. Hoài là một cô gái hết sức bình thường. Cô không có tài năng xuất chúng để mọi người phải ngước nhìn trầm trồ ngưỡng mộ. Kể cả ngoại ngữ, Hoài cũng chỉ ở mức tiếng Anh giao tiếp vừa phải, không hề IELTS 7 chấm, 8 chấm. Hoài chỉ là một cô nhân viên kế toán, thu nhập bình thường, không son phấn, điệu đà quần là áo lụa.
Bao nhiêu tiền dành dụm được, Hoài trang trải cho những chuyến đi. Lúc đầu chỉ là vòng quanh châu Á: Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Nhật Bản…Đến lúc quyết định đi Nam Mỹ, cô “ở ẩn” một thời gian để tích lũy tiền. Gom hết tiền dành dụm, bán tất cả những gì có thể, cộng luôn tiền bảo hiểm thất nghiệp, tổng số tiền Hoài có được chưa tới 200 triệu đồng. Hành trang lên đường của cô chỉ là chiếc ba lô 20 kg, một số tiền không hề đáng kể như trên cùng niềm háo hức khám phá những vùng đất mới. Rất may, bên Hoài còn có những bạn bè thân thiết với lời hứa sẽ cho Hoài mượn tiền những khi cô cần. Và ba trăm năm mươi triệu đồng là số tiền Hoài đang “nợ” mọi người.
Nghĩ cũng lạ. Người ta chỉ cho mượn tiền, thậm chí là cho vay để làm ăn, mua nhà, mua xe. Còn bạn của Hoài sẵn lòng cho cô mượn tiền để đi bụi. Một đứa bạn đang đi học bên Nhật tranh thủ làm thêm kiếm sống, dư được mấy chục triệu đồng cũng nhẹ nhàng cho cô mượn mà chẳng đòi hỏi gì. “Có người nói em bỏ việc, gom hết tiền dành dụm đi chơi là khùng, nhưng người nào cho em mượn tiền đi chơi thì càng khùng hơn” - Hoài cười.
Trên sa mạc San Pedro de Atacama, Chile.
Cerro Rico - ngọn núi giàu có - tỉnh Potosi, Bolivia.
Không biết tiếng thì xài… từ điển offline
Để tiết kiệm chi phí và kiếm tiền trả nợ, Hoài vừa đi chơi vừa tranh thủ làm thêm ở bất cứ nơi nào có thể. Không nề hà việc lớn nhỏ, lao động chân tay mệt nhọc. Có khi chỉ để đổi lấy một chỗ ngủ miễn phí. Tôi chưa bao giờ hỏi Hoài về những khó khăn em gặp phải trên đường. Bởi tôi có cảm giác dường như trong suy nghĩ của cô gái ấy chưa bao giờ có chữ “ bi quan” và “bỏ cuộc”. Chông gai hay khó khăn không phải là bức tường cản ngăn Hoài từ bỏ đam mê khám phá thế giới. Với cô, nó chỉ là bài toán có khi dễ có lúc khó và cô phải cố gắng giải bằng cách này hay cách khác.
Nhiều người nói với tôi họ thích đi du lịch lắm. Tiền và sức khỏe thì có nhưng không có ngoại ngữ thì làm sao đi bụi đây. Vậy mà Hoài đi Nhật một mình, đi Nam Mỹ một mình dù ở những nơi đó người ta đâu có nói nhiều tiếng Anh. Bí quyết của Hoài là… điện thoại cài từ điển tiếng Tây Ban Nha offline. “Em coi từ điển rồi ghép từng từ lại thành một câu, cũng ổn!” - Hoài chia sẻ.
Có phải nhiều người trong chúng ta cố thủ trong cái vỏ bọc của mình, không thoát ra ngoài vì những nỗi sợ hãi dù trong lòng đầy những chán chường, bức bối. Có người sợ mất việc, mất thu nhập, mất sự ổn định đang có dù luôn than vãn rằng mỗi ngày của mình đang trôi đi trong tẻ nhạt. Có người sợ hiểm nguy, bất trắc khi đi trên những con đường mới. Có người sợ không có ngoại ngữ. Nhưng cũng có không ít người nỗi sợ lớn nhất là sự cô độc khi thực hiện những ước mơ của chính cuộc đời mình. Thế là họ chọn cách từ bỏ ước mơ để rẽ sang con đường đông người hơn, an toàn hơn. Còn Hoài, tôi chưa bao giờ thấy cô rẽ bước bao giờ.
Núi Huyna Potosi 6.088 m ở Bolivia.
Tổ chức từ thiện All Hands Volunteer cùng xây nhà cho người nghèo bị động đất 2015 ở Canoa, Ecuador.
Hồ 69 (laguna 69) ở Huaraz, độ cao 4.600m Peru.
Cũng có người nói với tôi là những người trẻ tuổi như Hoài thật ích kỷ. Thay vì dành thời gian để kiếm tiền, để cống hiến cho xã hội, báo hiếu cha mẹ, lấy chồng sinh con thì chỉ đi chơi cho thỏa đam mê cá nhân. Nhưng họ không hiểu trên nhiều chặng đường, cô gái ấy đã tình nguyện tham gia dựng nhà cho người nghèo ở những nơi khó khăn của Nam Mỹ. Cô cũng đang ấp ủ ước mơ sẽ về Đà Nẵng quê hương làm một mái ấm cho người già neo đơn và trẻ em mồ côi. “Xem như giai đoạn đầu em sống cho ước mơ của mình, còn sau đó em sẽ dành cho người nghèo khó bất hạnh” - Hoài tâm sự.
Không phải đợi đến già, ngoài những tháng ngày đi bụi thế giới tạm gọi là sống cho riêng mình, thời gian còn lại Hoài cũng đang dành hết cho mọi người với tất cả tấm lòng. Hoài có mặt trong rất nhiều chuyến đi từ thiện đến những vùng xa xôi. Hoài có mặt khi bạn bè cần đến.
“Một năm rưỡi qua đủ cho em sống cả một đời” - Hoài bảo. Nhưng tôi biết rõ đôi chân ấy sẽ còn đi xa, đi nhiều nữa. Một mình chu du thế giới, làm những gì mình mong ước chắc chắn phải có lòng can đảm và sự mạnh mẽ. Nhưng để đi trong hạnh phúc như Hoài, người ta phải cần một tấm lòng trong trẻo, hồn nhiên, biết ơn và yêu thương.