Một vụ án mà theo phân tích của các chuyên gia với quy định hiện hành, vi phạm của bảy cựu chiến binh này chỉ có thể bị xử phạt hành chính. Tại bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông cũng từng cho rằng cấp sơ thẩm không vô tư, khách quan khi không giám định diện tích rừng thực tế. Thậm chí cơ quan kiểm lâm xác định cả khu rừng trước đó bị hủy hoại đã thiệt hại 100% mà vẫn nhận định các bị cáo hủy hoại rừng là không phù hợp. Nhưng xử sơ thẩm lần hai, TAND thị xã Gia Nghĩa vẫn tuyên phạt họ từ sáu đến bảy tháng tù.
Cách đây chưa lâu, Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã phải kháng nghị phúc thẩm tăng nặng hình phạt vì trong phiên xử sơ thẩm TAND tỉnh Phú Yên đã cho 12/15 cựu cán bộ UBND huyện Đông Hòa hưởng án treo. Điều đặc biệt là các bị cáo đều bị truy tố về tội cố ý làm trái theo khoản 3 Điều 165 BLHS, có mức hình phạt từ 10 đến 12 năm tù. Hậu quả các bị cáo gây ra trong vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại ngân sách nhà nước trên 9 tỉ đồng. Kháng nghị cho rằng cấp sơ thẩm áp dụng quy định sai dẫn đến mức án không đủ răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa chung, chưa tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ án mà cơ quan tố tụng đã nương tay khi xem xét hành vi phạm tội của các bị cáo nguyên là cán bộ nhà nước mà người ta thường gọi là “quan tham”. Nó đối lập với hình ảnh một phụ nữ ở tỉnh Hà Nam phải tức tưởi nhận án tù vì lỡ làm sứt mép bàn. Lại có trường hợp chỉ vì hắt ly bia vào người ông cán bộ thuế trong lúc xô xát mà một người dân ở huyện Định Quán (Đồng Nai) cũng phải hầu tòa, lãnh án…
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, cơ quan tố tụng không bỏ lọt tội phạm cũng không làm oan người vô tội, đó là những nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên, không vì thế mà cùng hành vi có dấu hiệu phạm tội nhưng với người dân thì bị xét xử quá nghiêm khắc, còn với quan chức thì nhẹ tay, thậm chí ngần ngừ trong việc khởi tố, truy tố ban đầu.
Đã có nhiều vụ án, đặc biệt là án tham nhũng, các bị cáo được tòa tuyên mức án quá nhẹ, cho hưởng án treo sai luật. Chỉ khi báo chí vào cuộc phanh phui thì cơ quan tố tụng mới vờ như giật mình trước khi khắc phục giải quyết lại.
Trở lại vụ bảy cựu chiến binh dọn dẹp rừng nhưng bị kết án, tôi cho rằng hành vi của họ là sai nhưng chưa đến mức phải khởi tố vì chưa đủ định lượng để xử lý hình sự. Qua ba lần xét xử thì thấy vụ án còn nhiều điểm chưa rõ, nhất là căn cứ kết tội nhưng tòa sơ thẩm vẫn hai lần tuyên án là quá vội vàng nếu không muốn nói là có dấu hiệu hình sự hóa vi phạm hành chính. Thậm chí những thiếu sót mà cấp phúc thẩm chỉ ra trong lần hủy án cũng không được tòa sơ thẩm làm rõ nhưng vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Và một khi người ngồi ghế xét xử mặc định trong đầu và có định kiến trước rằng bị cáo có tội thì liệu họ thực hiện nhiệm vụ có công tâm, công bằng hay không?
Đâu đó người ta vẫn kêu ca về tính công bằng trong xét xử dường như mới chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật trong khi đây là một nguyên tắc cốt tử của nền tố tụng. Ngày 6-11 vừa qua, sau khi nghe, thảo luận về các báo cáo tư pháp, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu và đặt câu hỏi: “Tại sao đến bây giờ các tòa án chưa được người dân và xã hội tin cậy, chưa trở thành biểu tượng công lý trong lòng người dân? Chừng nào các thẩm phán án chưa thể trả lời được câu hỏi này thì niềm tin của người dân vẫn còn bị lung lay”.