Câu chuyện của một đồng nghiệp là giáo viên ở Long An phải quỳ gối đang được chia sẻ trên các tờ báo, các diễn đàn chắc hẳn làm cho số nhiều chúng ta cảm thấy xót xa. Xót cho con trẻ, xót cho cách hành xử của phụ huynh và xót cho đạo đức nghề giáo.
Chưa nói đến đúng sai trong việc xử lý học sinh vi phạm. Khoan nói đến tư cách làm nghề của đồng nghiệp, mà hãy cùng xem lại cách người lớn chúng ta tố cáo lỗi sai và sửa sai.
Tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ việc lên tiếng với những bất công, những thiếu sót, sai lầm, những hành động làm tổn thương đến tâm lý con trẻ. Nhưng tôi cũng phản đối cách thức mà nhiều người đã và đang làm.
Còn nhớ cách đây không lâu, một người mẹ cũng lên mạng xã hội thay con lên tiếng về những điều mà chị cho là bất công với con gái mình. Thế là báo chí, mạng xã hội và nhiều người bắt đầu phán xét về cách xử lý học sinh của một ngôi trường giàu truyền thống đã đóng góp không ít nhân tài cho đất nước. Thậm chí nhiều người còn buông lời vô cùng cay nghiệt.
Chúng ta thử cùng nhìn lại xem, có phải chúng ta đang đấu tranh sai cách? Dường như chúng ta đang lên tiếng cho chính bản ngã của chúng ta chứ không đứng trên sự trưởng thành bền vững của những đứa trẻ…
Đấu tranh là để cùng nhau loại bỏ cái xấu, hướng đến những thứ tốt đẹp hơn. Nhưng hãy xem sau những “tố cáo” thầy cô ấy, chúng ta nhận lại được gì?
Có lẽ, những người giàu kinh nghiệm sẽ tìm cách "an toàn" nhất để làm nghề. Những người đang cố gắng bám trụ lấy nghề sẽ “lơ” đi mà tiếp tục dạy học. Còn những giáo viên trẻ căng tràn nhiệt huyết sẽ thu mình lại, tránh đụng chạm đến những học sinh có bố mẹ “ghê gớm”. Những sinh viên thấy nghề này có quá nhiều rủi ro sẽ thôi không theo nghề nữa. Chỉ còn lại số ít dám dũng cảm làm tất cả những gì tốt nhất vì học trò, nhưng đáng tiếc là số ít ấy lại không lan tỏa được đến hết các thầy cô.
Dường như mọi người quên mất để một đứa trẻ phát triển toàn diện cần đến sự kết hợp của cả ba yếu tố: Gia đình – Nhà trường – Xã hội. Gia đình là nền tảng là môi trường giáo dục đầu tiên mà các con tiếp xúc. Người lớn là tấm gương phản chiếu cho những đứa trẻ. Cách làm nhục và dồn người khác đến bước đường cùng không phải là cách đấu tranh mà con người sống ở thời đại văn minh nên làm.
Trước khi lên tiếng đấu tranh vì bất cứ điều gì mà chúng ta cho rằng là tốt cho đứa trẻ, hãy dừng lại một chút để nhớ giáo dục khác với những lĩnh vực khác.
Với những đứa trẻ còn đang loay hoay trên con đường định hình nhân cách, chỉ cần một cú huých nhẹ thôi là sẽ khiến chúng chuyển từ yêu sang ghét, từ kính trọng sang thiếu tôn trọng. Thay vào đó, hãy cùng dạy cho bọn trẻ hiểu rằng rộng lượng và vị tha là con đường thênh thang nhất đưa chúng đến thành công!