Tùy tiện đặt ra nhiều thứ phí
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương - Thường trực Ủy ban Pháp luật, thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy hiện có đến hàng trăm loại phí “đè” lên người dân. Ngoài ra, kết quả thanh tra và kiểm toán cũng cho thấy có hàng chục các khoản thu tự nguyện nhưng lại xếp vào diện phí và lệ phí để bắt buộc người dân phải nộp. “Liệu có lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương trong việc thu phí và lệ phí không” - ông Cương đặt vấn đề.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng phản ánh việc nhiều nơi lợi dụng nhân danh Nhà nước để đặt ra các khoản giá, dịch vụ nhưng lại gọi là phí và lệ phí để thu tiền. Thậm chí có nơi đặt ra các khoản thu bất hợp lý rồi lấy tiền gửi vào ngân hàng lấy lãi khiến dân rất bức xúc.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng có nhận được phản ánh về tình trạng địa phương thu ngoài danh mục phí và lệ phí, như các khoản thu xây dựng giao thông, trường học, quỹ từ thiện, phí an ninh trật tự, thiên tai… “Những khoản này không còn nằm trong danh mục, đã được miễn, hoặc chỉ có tính chất tự nguyện nhưng một số địa phương vẫn thu và vẫn gọi là phí và lệ phí. Điều này dẫn đến hiểu nhầm của dư luận là có quá nhiều loại phí và lệ phí nằm ngoài danh mục. Do đó, chúng tôi cho rằng phải minh bạch khoản nào là phí và lệ phí, khoản nào là thu tự nguyện. Đồng thời thanh tra theo thẩm quyền để xử lý nghiêm nếu có vi phạm xảy ra” - ông Dũng nói và khẳng định không có chuyện bộ, ngành, địa phương ban hành các loại phí, lệ phí để phục vụ lợi ích ngành, lợi ích cục bộ địa phương. Tuy nhiên, tới đây Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi danh mục phí và lệ phí theo hướng những quy định nào không còn phù hợp thì chuyển sang cơ chế về giá phục vụ cho rõ ràng và minh bạch.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã tỏ ra lo ngại tình trạng “phí chồng phí” khi hoàn thành việc nâng cấp cải tạo trên tuyến quốc lộ 1A. Ảnh: NGỌC HÀ
Lo ngại “phí chồng phí”
“Hiện nay người dân vẫn hiểu là thu phí để phục vụ tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều khi phí thì thu nhưng cung cấp dịch vụ thì không ra gì. “Vậy cơ quan nào có trách nhiệm phát hiện ra điều này và đã xử lý trách nhiệm được đơn vị nào chưa” - ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) hỏi.
Dẫn lại câu chuyện thu phí bảo trì đường bộ vốn đã từng gây ra khá nhiều ầm ĩ trong dư luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã tỏ ra lo ngại tình trạng “phí chồng phí” tới đây sẽ xảy ra. Bởi theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc nâng cấp cải tạo trên tuyến quốc lộ 1A sẽ xuất hiện hàng loạt các trạm thu phí BOT thay thế cho trạm thu phí của Nhà nước. “Khi xuất hiện trạm thu phí BOT rồi thì có thu phí đường bộ nữa không, nếu thu thì sẽ “phí chồng phí”” - ông Nhã nói. ĐB Trần Văn (Cà Mau) thì đề nghị nên xem xét lại việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy sao cho phù hợp.
Giải đáp những băn khoăn trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng hiện tuyến quốc lộ 1A đang được cải tạo nâng cấp và nếu sử dụng ngân sách thì hết khoảng 100.000 tỉ đồng. Do đó, phải đầu tư bằng BOT và lập trạm thu phí để hoàn vốn. Dự kiến trên quốc lộ 1A tới đây sẽ có 17 trạm thu phí BOT. “Khi đó một xe container từ TP.HCM ra Hà Nội sẽ mất khoảng 1,5-1,7 triệu đồng tiền phí cầu đường. Đây là mức phí không lớn và doanh nghiệp vận tải có thể chịu đựng được” - ông Trường nói và khẳng định không có chuyện “phí chồng phí”. Bởi tiền nộp quỹ bảo trì không chi cho đường BOT mà chỉ chi cho đường xây dựng từ nguồn vốn ngân sách.
Ông Trường cho hay việc có bỏ thu phí đối với xe máy hay không thì sau một năm thực hiện sẽ nghiên cứu, tổng kết. “Số tiền thu phí xe máy không lớn nhưng thể hiện sự đóng góp của người dân vào cơ sở hạ tầng, tạo ra ý thức của người dân trong việc đóng góp” - ông Trường nói.
THÀNH VĂN
Rất khó xử lý trách nhiệm khi Quốc hội quyết sai Thảo luận về dự án Luật Đầu tư công tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 11- 4, các ĐB tranh luận khá nhiều chiều về quy định “người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án sai, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật”. Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), quyết định chủ trương đầu tư sai là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí cần phải xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ quy trách nhiệm đối với người ra quyết định đầu tư, còn người ra quyết định chủ trương đầu tư sai lại chưa rõ ràng nên khó có thể xử lý được. Nhìn nhận ở các quyết sách của QH, nhiều ĐB cho rằng nếu áp dụng vào thì sẽ xử lý ra sao? “Nếu QH phê chuẩn dự án sai liệu có kỷ luật được chủ tịch QH không?” - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) tự đặt câu hỏi và cho rằng nếu quyết định chủ trương đầu tư là tập thể thì không thể kỷ luật được. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng chủ tịch QH không phải là người đứng đầu QH mà chỉ là chủ tọa, giữ mối liên hệ giữa các ĐB. “Ông nào làm chủ tịch QH mà nhận mình là thủ trưởng là sai. Tôi chưa bao giờ nhận mình đứng đầu. Vậy thì kỷ luật ai”? Theo ông Hùng, khi QH, HĐND quyết thì đó là ý chí của tập thể, của toàn dân nên không thể kỷ luật cả 500 ĐBQH hay cả HĐND được. Vì vậy, khi QH quyết định sai thì phải nhận khuyết điểm và phải sửa. “QH sai thì dân phải chịu nên phải làm sao để quyết định cho đúng” - ông Hùng nhấn mạnh. |