“Luật Quảng cáo ban hành cần giải quyết được ba tồn tại lớn trong lĩnh vực này: thời lượng quảng cáo quá nhiều trên báo in, báo nói, báo ảnh; tính trung thực và nội dung của quảng cáo; ai là người chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo”. Đó là ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quảng cáo sáng 4-11.
Sẽ tiếp tục bội thực quảng cáo
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng theo dự thảo luật thì thời lượng quảng cáo sẽ còn tăng tiếp so với hiện nay. “Tôi không phản đối vì nhiều nước thời lượng quảng cáo còn cao hơn nhiều nhưng vấn đề là chúng ta quản lý thế nào. Tôi nghĩ cơ quan soạn thảo cần phải có giải thích thấu đáo, thay vì một vấn đề đang hết sức bức bối lại được trả lời là sẽ tiếp tục cho tăng thời lượng” - bà Lan bức xúc nói.
Bà Lan cũng ủng hộ việc tăng mức xử phạt (mức phạt thấp nhất là 2,5 triệu đồng, cao nhất là 200 triệu đồng). Tuy nhiên, dự thảo lại chưa xác định rõ trách nhiệm cụ thể của người làm dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo… “Người nào cũng chịu trách nhiệm nhưng lỡ có chuyện xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm, hay cưa lỗi làm hai, làm ba thế nào?” - bà Lan băn khoăn.
Vị ĐBQH này cũng chỉ ra nhiều mâu thuẫn của dự thảo như cấm quảng cáo vaccine nhưng sau đó lại quy định quảng cáo vaccine cần hồ sơ gì; hay cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ nhưng sau đó hướng dẫn nếu quảng cáo sữa thì cần gì… Cạnh đó, toàn bộ dự thảo chỉ có một dòng duy nhất quy định cấm quảng cáo rượu trên 30 độ, còn rượu dưới 30 độ thì bỏ ngỏ, cũng không đưa vào danh mục hàng hóa đặc biệt cần có sự kiểm soát…
Việc bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời, băng rôn trong dự thảo luật gây nhiều tranh luận. Ảnh: HTD
Lo ngại loạn băng rôn
Dự thảo luật có một quy định mới nhưng lại gây nhiều tranh luận, là bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn. Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo ngoài trời chỉ phải thông báo nội dung quảng cáo đến Sở VH-TT&DL trước bảy ngày làm việc.
Dẫn thực tế chương trình ca nhạc “Chế Linh - 30 năm tái ngộ” đã bị dừng biểu diễn nhưng băng rôn quảng cáo chương trình này vẫn treo đầy đường, ĐB Lê Đăng Phong (TP.HCM) lo ngại nếu bỏ quy định cấp phép thì liệu có dẫn đến “loạn băng rôn” hay không?
Trong khi đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cũng cho rằng hình thức quảng cáo này đang diễn ra hết sức phức tạp và tình trạng quảng cáo lộn xộn, mất mỹ quan rất phổ biến. Trong khi đó, điều kiện căn bản nhất để bỏ quy định cấp giấy phép quảng cáo ngoài trời là có quy hoạch quảng cáo thì chưa đầy đủ. Từ đó, ủy ban kiến nghị cần phải cụ thể hóa các quy định về hoạt động quảng cáo này; cân nhắc thêm điều kiện nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định.
Dự thảo cũng chỉ dành một khoản của Điều 35 quy định về quảng cáo bằng âm thanh gắn với phương tiện giao thông. Một số ĐB cho rằng việc quảng cáo bằng âm thanh tại các địa điểm bán hàng gần khu dân cư, hay việc mở loa quá to tại các cửa hàng bán thiết bị âm thanh, điện tử gây tiếng ồn, thậm chí là ách tắc giao thông nhưng lại chưa được điều chỉnh trong luật này là một thiếu sót.
Tên một đằng, nội dung một nẻo Sáng cùng ngày, QH cũng thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục ĐH. Góp ý về dự án luật này, các ĐB cho rằng tên gọi của luật chưa phù hợp với nội dung, khi luật này quy định cả vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Dự luật cũng không có quy định riêng về các trường ĐH tư thục, trong khi về cơ cấu tổ chức, mô hình hoạt động… của trường tư thục khác với trường công lập… Hiện giờ quảng cáo hình ảnh phụ nữ chỉ thấy lui cui dọn dẹp, bếp núc, nấu nướng, trong khi nam giới thì lúc nào cũng bóng lộn, bảnh bao. Vậy có phải là bất bình đẳng giới không? ĐB HUỲNH THÀNH LẬP (TP.HCM) Siết chặt tin nhắn rác Dự thảo Luật Quảng cáo quy định nhà cung cấp dịch vụ thiết bị điện tử, viễn thông chỉ được phép gửi tin nhắn, thư điện tử có nội dung quảng cáo cho các dịch vụ của mình; chỉ được gửi tin nhắn quảng cáo đến điện thoại trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá năm tin nhắn đến một số điện thoại và quá năm thư điện tử đến một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với người nhận. Nếu vi phạm, mức xử phạt áp dụng sẽ từ 15 đến 20 triệu đồng. |
NHÓM PV