Sáng 28-5, cây phượng cổ thụ có đường kính 1 mét bất ngờ bật gốc, ngã xuống sân trường trước giờ học sinh vào lớp ở TP Buôn Ma Thuột.
Trước đó, vào sáng 26-5, một cây phượng bất ngờ bật gốc ngã xuống đất khiến một học sinh tử vong ở trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP HCM.
Trước tình hình trên, một số bạn đọc bình luận dưới các bài viết với cùng thắc mắc: Có nên trồng cây phượng trong sân trường? Nếu trồng thì nên trồng thế nào cho an toàn?
Trao đổi vớiPLO, GS-TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (ĐH Công nghiệp TP.HCM) phân tích: Cây phượng là một loài cây có hoa rất đẹp và luôn gắn liền với tuổi học trò. Bởi thế, nhiều trường học đã trồng cây này để mang lại ký ức đẹp cho tuổi học sinh và vừa tạo cảnh quan, che bóng mát trong sân trường. Tuy nhiên, cây phượng phù hợp với sân trường ở nông thôn hơn, nơi có nền đất tự nhiên cho bộ rễ phát triển, không bị bê tông hóa trên mặt rễ cây.
Còn các trường ở đô thị, việc đổ bê tông kiên cố sát tận vào gốc đối với cây phượngy sẽ làm cho rễ cây dưới đất không hô hấp được dẫn đến bị chết mục cây và có thể tự đổ bất cứ khi nào.
Ngoài ra, một số nơi trồng cây còn xây cả bồn cao vây kín quanh gốc cây, việc này cũng rất nguy hiểm. Bởi việc xây bồn cao sẽ làm hệ rễ phía dưới càng nhanh bị hỏng, cây cành dễ đổ.
Ngoài ra, với những cây to từ 40 cm trở lên là rễ bắt đầu trồi lên, cành nhánh rất giòn, dễ gãy, gốc rất dễ mục... Do vậy các trường ở đô thị có sân bê tông nên hạn chế trồng và phải kiểm tra thường xuyên.
“Để cây phượng trước sân trường được phát triển tốt và an toàn vào mùa mưa bảo thì người trồng không nên đổ bê tông trên bề mặt cây, không nên xây bồn cao xung quanh gốc. Hãy để cây phát triển bộ rễ tự nhiên dưới đất và khi rễ bấm chặt vào đất sẽ khó có thể ngã đổ”- GS-TS Lê Huy Bá chia sẻ.