Đốt vàng mã là một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội Gióng, nhưng trong năm tới việc làm này sẽ bị vướng nghị định cấm đốt vàng mã nơi công cộng và lễ hội có hiệu lực từ tháng 9-2010. Bà Lý cho biết: “Về quy định này, trong trường hợp cần thiết phải có sự điều chỉnh, riêng với hội Gióng thì hoàn toàn có thể đốt vàng mã”.
Về lễ hội Gióng sau khi trở thành di sản đại diện của nhân loại, bà Minh Lý cảnh báo: việc đầu tư cho lễ hội cũng phải có kế hoạch, nếu không có thể làm hỏng di sản. Trao đổi với báo chí về những băn khoăn trong trang phục của những người tham gia hội Gióng hằng năm, bà Minh Lý chia sẻ: trang phục cho các nhân vật tham gia hội Gióng phải trên cơ sở nghiên cứu của các nhà văn hóa. Hiện nay, chẳng thà để người dân mặc trang phục như họ vẫn mặc hằng năm (kể cả trên áo lễ, dưới quần bò) còn hơn nghĩ ra một bộ trang phục chẳng liên quan đến lễ hội thực tế và bắt họ mặc.
Tuy nhiên, bà Lý cũng khẳng định nếu các nhà văn hóa có thể phục dựng trang phục mà người dân thời xưa mặc thì đó là một việc rất tốt.PGS.TS Nguyễn Chí Bền (viện trưởng Viện VHNT VN) thông báo những công việc phải thực hiện sau khi lễ hội Gióng được công nhận di sản, trong đó có việc lập trang web. Theo ông Bền, trang web này sẽ cập nhật toàn bộ thông tin về lễ hội Gióng như các huyền tích, sắc phong, các nghi thức trong phần lễ và phần hội...
Bên cạnh đó, Nhà nước và cộng đồng sẽ chung tay để bảo tồn các di sản vật thể và phi vật thể liên quan đến hội Gióng. Đồng tình với quan điểm đó, bà Lê Thị Minh Lý bổ sung: đối với việc bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể, mỗi hạng mục phải được đặt lên bàn để các nhà nghiên cứu cân nhắc và phải được cộng đồng thừa nhận.
Theo HÀ HƯƠNG (TTO)