Có thể tố cáo qua điện thoại, thư điện tử

Ngày 12-10, thảo luận về dự án Luật Tố cáo, đa số các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đều cho rằng việc bổ sung các hình thức tố cáo bằng thư điện tử, fax, tố cáo bằng lời qua điện thoại, bằng tài liệu nghe được, nhìn được là phù hợp.

Tố cáo qua mạng cũng nên được xem xét

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng khi tiếp nhận tố cáo theo bất cứ hình thức nào, cơ quan có thẩm quyền đều phải tiến hành việc xem xét, đánh giá bước đầu các thông tin về người tố cáo và nội dung tố cáo như đối với đơn tố cáo hiện nay. Hơn nữa, việc tố cáo bằng hình thức thư điện tử, fax, điện thoại hiện đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng và trên thực tế, một số hình thức như tố cáo qua điện thoại đang được áp dụng tại nhiều cơ quan, tổ chức và phát huy hiệu quả tốt. Do đó, cho phép các hình thức tố cáo trên là phù hợp với tình hình thực tế.

Về những băn khoăn việc bổ sung các hình thức tố cáo nói trên sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để phát tán đơn thư, đưa thông tin về việc tố cáo lên các trang mạng điện tử, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác, nhất là các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Ủy ban Pháp luật cho rằng khi chưa cho phép tố cáo qua thư điện tử, fax thì những hành vi lợi dụng quyền tố cáo vào những mục đích nêu trên vẫn diễn ra hằng ngày. Để hạn chế và tiến đến ngăn chặn tình trạng này cần quy định các chế tài đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi trên.

Có thể tố cáo qua điện thoại, thư điện tử ảnh 1

Người dân đang tìm hiểu văn bản khiếu nại, tố cáo tại Văn phòng tiếp công dân TP.HCM. Ảnh: HTD

Xử phạt hành chính tối đa 2 tỉ đồng?

Chiều cùng ngày, TVQH họp cho ý kiến về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đáng chú ý, dự thảo luật đã nâng mức xử phạt tiền tối đa lên đến 2 tỉ đồng, gấp bốn lần mức hiện hành. Mức phạt này chỉ được áp dụng trong năm lĩnh vực gồm: Quản lý các vùng biển và thềm lục địa; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; quản lý rừng, lâm sản; tiền tệ và ngân hàng, tín dụng, chứng khoán và thị trường chứng khoán; tài nguyên nước, dầu khí và các loại khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, đất đai.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải, nâng trần lên mức này do thời gian qua trượt giá nhiều, hơn nữa mức phạt quy định phải bảo đảm được tính răn đe trên thực tế. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật lại cho rằng quy định mức phạt tiền như dự thảo là quá cao so với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như thu nhập của nhân dân, đồng thời cũng không tương xứng so với mức phạt tiền được quy định trong BLHS…

Cũng liên quan đến việc xử phạt, dự thảo luật đã ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù đối với khu vực nội thành các TP trực thuộc trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ). Theo đó, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị, trên cơ sở đề nghị của HĐND TP.

Thống nhất quy định về khiếu nại đông người

Đối với dự án Luật Khiếu nại, TVQH cũng như Ủy ban Pháp luật đều tán thành với việc quy định vấn đề khiếu nại đông người vào luật. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, trong quá trình lấy ý kiến đại biểu QH, có nhiều ý kiến đề nghị đây là vấn đề nhạy cảm không nên quy định vào luật. Nhưng thực tế, khiếu nại nhiều người tuy là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhưng cần phải quy định để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý. Do đó, Ủy ban Pháp luật thống nhất quy định vào dự thảo luật các hình thức khiếu nại nhiều người như nhiều người cùng đứng đơn, nhiều người cùng đến để trực tiếp khiếu nại; quy định về ban hành quyết định giải quyết khiếu nại nhiều người và giải quyết khiếu nại cho từng người.

THÀNH VĂN - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm