Sau hai năm liên tiếp chạy phiên bản thử nghiệm đá tập trung tại một quốc gia, mùa bóng 2024-2025, AFC Champions League nữ chính thức ra đời và đại diện của bóng đá nữ Việt Nam là nhà vô địch CLB TP.HCM tham dự.
Trao đổi với chúng tôi, HLV Đoàn Thị Kim Chi của CLB TP.HCM cho biết: “Hiện nay đội đang tập trung đá lượt về giải vô địch quốc gia còn giải châu Á chưa có điều lệ nên chưa biết như thế nào”.
Thực ra bóng đá nữ Việt Nam có số má ở châu lục, tốp 5 châu Á nhất là tham dự cấp CLB cơ hội rất sáng. CLB nữ TP. HCM lại có rất nhiều tuyển thủ quốc gia, dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế nhiều năm qua từ World Cup đến các giải châu lục chất lượng.
HLV Đoàn Thị Kim Chi cũng cho biết, chuyện tuyển thủ Huỳnh Như có thể khoác áo đá hay không thì còn phụ thuộc vào chính Như. Vì khi từ Lank FC của Bồ Đào Nha quay về, Huỳnh Như có ký hợp đồng với CLB nào khác chưa. Nếu Như đã ký với CLB khác rồi thì có mượn được hay không, điều lệ giải có cho phép CLB mượn được không và CLB mới của Như có cho phép?...
Rõ ràng là còn quá nhiều thông tin chưa xác định được, HLV Kim Chi cũng đặt ngược cho chúng tôi những câu hỏi như kiếm cầu thủ ngoại thì khó, còn nếu mượn thêm cầu thủ trong nước thì sợ không được.
Lần đầu tiên một CLB nữ của Việt Nam “bơi ra biển lớn” đá giải châu lục, bóng đá nữ Việt Nam thuộc hàng mạnh châu lục, tạo điều kiện và giúp đỡ mọi phía từ lãnh đạo VFF và HFF là điều rất cần thiết. Một hay nhiều CLB nữ của Việt Nam tham dự sân chơi châu lục thì nó góp phần tích cực làm mạnh thêm đội tuyển quốc gia.
Cái tầm của bóng đá nữ Việt Nam đang là tốp 5 châu Á, AFC lại có “phiên bản đầu” cấp CLB dành cho bóng đá nữ, VFF, HFF nên quyết liệt tìm hiểu thêm, tạo điều kiện để bóng đá nữ Việt Nam ngay từ đầu gặp nhiều thuận trong việc tham dự giải châu lục thứ nhất để không bị tuột hậu về sau này như kiểu các đồng nghiệp nam toàn thua thảm và thậm chí nhiều CLB “tránh” và “sợ” dự các giải châu lục.
Ngày 18-7 AFC tiến hành bốc thăm các bảng đấu của vòng sơ loại. Căn cứ trên bảng xếp hạng của FIFA (Bóng đá nữ Việt Nam nằm tốp 5 châu Á), đại diện Nữ TP.HCM miễn đá vòng bảng sơ loại. Vào thẳng vòng bảng ở giai đoạn hai.
Có 13 CLB tham dự vòng bảng sơ loại. 13 CLB này chia làm 4 bảng (ba bảng, mỗi bảng ba đội và một bảng 4 đội) gồm đại diện của Hong Kong, Uzbekistan, Iran, Myanmar, UAE, Lào, Singapore, Indonesia,Malaysia...Mỗi bảng đá tập trung tại một quốc gia. Có bốn đại diện của bốn quốc gia làm chủ nhà mỗi bảng đầu gồm Jordan, Malaysia, Bhutan, Saudi Arabia, chọn bốn đội nhất của bốn bảng đấu này vào giai đoạn 2.
Tại đây, CLB nữ TP.HCM bắt đầu tham dự giải đấu với tư cách chủ nhà của một bảng đấu. Bốn đội nhất bốn bảng trên vượt qua vòng sơ loại cùng với tám CLB “chờ sẵn” ở giai đoạn hai, trong đó có Nữ TP.HCM, tức tổng cộng 12 CLB.
12 CLB này rất mạnh, trong đó có những đại diện của Nhật Bản như Urawa Red Diamonds (Nhật Bản), Melbourne City FC (Úc), Hyundai Steel Red Angels (Hàn Quốc)...
12 CLB này được chia làm ba bảng, mỗi bảng đá tập trung tại quốc gia của đại diện bảng đó. Ba CLB được làm “trưởng bảng” (chủ nhà bảng đấu) là Wuhan Jiangda (Trung Quốc), Nữ TP.HCM và Collegge of Asian Scholar (Thái Lan). Giai đoạn này diễn ra từ ngày 6 đến 12-10-2024.
Ba bảng thi đấu vòng tròn một lượt mỗi bảng chọn đội nhất và nhì, cùng 2 trong 3 đội thứ ba mỗi bảng có thành tích tốt nhất vào vào vòng tứ kết.
Bốn cặp đấu tứ kết diễn ra trong hai ngày 22 và 23-3-2025. Các cặp đấu tứ kết chỉ đá một lượt, đội được chọn đá sân nhà là đội của đại diện có thứ hạng FIFA cao hơn đội kia. Bán kết và chung kết cũng tương vào ngày 21 đến 24-5-2025.
Nhà vô địch giải đấu nhận tiền thưởng 1,3 triệu USD. Các đội tham dự giải đều được trả công tùy theo thành tích vào sâu giải.
Nhìn vào thực lực, Nữ TPHCM rất sáng cửa vào tứ kết vì mỗi bảng ngoài hai đội nhất và nhì thì còn hai trong ba đội xếp thứ ba mỗi bảng vào tứ kết.