Cậu bé đã gửi gắm nỗi niềm, tâm tư sâu lắng của mình vào ca khúc bất hủ và quá đỗi quen thuộc với người Việt Nam của cố nhạc sĩ Bắc Sơn đến nỗi giám khảo ca sĩ Tóc Tiên phải thốt lên: “...nghe buồn đứt ruột”. Bởi vậy khi em chỉ cần cất vài câu hát đầu tiên: “Nắng hạ đi mây trôi lang thang cho hạ buồn...” thì cả khán phòng như "dậy sóng" bởi nhiều tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt. Hơn nữa, sau ca sĩ Hương Lan, có lẽ Hồ Văn Cường là người thể hiện đúng lời của bài hát: "Coi cỏi đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng...".
Cậu bé Hồ Văn Cường trong phần thi của mình.
Lâu nay trên các chương trình ca nhạc, sân khấu lớn nhỏ nhiều ca sĩ khác lại hát "coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng..." là chưa đúng và chưa hiểu bối cảnh và không gian trong bài hát mà nhạc sĩ muốn chuyển tải đến người nghe...
Sinh thời, trong một lần phỏng vấn báo chí, cố nhạc sĩ - NSƯT Bắc Sơn từng nói đại ý rằng: Hát "coi cỏi đốt đồng..." mới đúng lời vì cỏi là loài chim đồng như gà nước làm tổ dưới đất chứ không phải trên cành cây. Mùa nắng, chim cỏi trốn vô mấy đống rơm, mỗi lần dân quê miền Tây dọn dẹp đồng cho mùa vụ tới hay đi đốt đồng bắt chuột thì chim cỏi sặc khói bay ra...
Không nhiều người biết được rằng ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè được Bắc Sơn viết làm nhạc nền cho vở kịch truyền hình Bếp lửa ấm phát trên Đài Truyền hình Sài Gòn vào năm 1974. Người trình bày đầu tiên ca khúc này là ca sĩ Hoàng Oanh. Sau năm 1975, ca sĩ Hương Lan ghi âm nhạc phẩm này tại Pháp và Còn thương rau đắng mọc sau hè nhanh chóng nổi tiếng.
Từ lâu ca khúc Còn thương rau đắng mọc sau hè với lời hát mộc mạc, mang âm điệu ca dao và ngọt ngào hương vị tô canh rau đắng đầy ắp tình quê, đầy ắp tình người đã đi vào lòng biết bao thế hệ người Việt Nam. Bởi vậy hát đúng lời của bài hát là điều cần thiết...
Nghe Hồ Văn Cường hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.