Đoạn đường này dài 547m với tổng mức đầu tư hơn 642 tỉ đồng (trung bình hơn 1,1 tỉ đồng mỗi mét đường). Đây là đoạn đường đắt nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nói: Khi tiếp nhận thông tin Hà Nội chi 642 tỉ đồng từ ngân sách để làm 550m đường, đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, tôi không hề bỡ ngỡ vì nghĩ rằng nếu cứ áp dụng phương thức đền bù giải phóng mặt bằng "một cục" như cách làm lâu nay thì đương nhiên điều đó sẽ xảy ra. Người ta hay nói ở VN còn tồn tại nhiều nghịch lý thì đây lại có thêm một biểu hiện nữa của nghịch lý: một đất nước còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp như vậy mà lại có "con đường đắt nhất hành tinh".
*Thưa ông, tại sao việc xây dựng đoạn đường này lại quá đắt đỏ như thế?
Hà Nội đang thiếu đường giao thông, nếu xây thêm hoặc mở rộng được con đường nào là rất quý nhưng nếu mở rộng đoạn đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu theo cách làm đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa trước đây là rất tốn kém. Ở các nước khi tiến hành mở rộng con đường trong nội đô, họ xây dựng nên cả một dự án đô thị rộng lớn, trong đó bao gồm cả con đường mới, người dân mất đất ở được bố trí tái định cư tại chỗ. Cái hay của cách làm này là giá đất hai mặt đường mới sẽ tăng cao, quy hoạch tốt sẽ dôi ra một diện tích đất không nhỏ, chính quyền sẽ thu được một khoản kinh phí không nhỏ từ việc bán đấu giá đất, lấy tiền đó làm đường. Nếu tính toán tốt, có khi còn đủ tiền để xây con đường mới. | |
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN |
- Ở đây có 2 điều cần phải nói. Một là, chúng ta nên có cách nhìn khác về vấn đề quy hoạch lại nội đô Hà Nội cũ. Cách mà chúng ta đang triển khai lâu nay là cố gắng mở rộng Hà Nội cũ ra tứ phía và cứ mở ra đến đâu thì hạ tầng lại phải uốn nắn, nâng cấp đến đấy và hệ quả là "khai sinh" ra những con đường quá đắt đỏ. Đô thị loang đến đâu thì giá đất cao lên đến đấy. Hai là, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng "một lần bằng một cục tiền" làm cho chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng lên quá cao. Hiện nay, hầu hết các con đường ở Hà Nội khi triển khai dự án mở rộng thì kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm trung bình tới 80% tổng kinh phí dự án, mấy năm trước có con đường Kim Liên - Ô chợ Dừa là trội hơn nên đã được mệnh danh là con đường đắt đỏ nhất. Tiền đền bù mà chiếm 80% kinh phí dự án nghe "không vào" được nữa.
*Vậy theo ông, chúng ta cần làm những gì đề hạ thấp chi phí mở rộng các con đường trong nội đô?
- Về quy hoạch, chúng ta hy vọng đề án quy hoạch lại Thủ đô theo địa giới hành chính mới đang được lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, quản lý sẽ là một lời giải thỏa đáng để xem ở đâu trong nội đô cần chỉnh trang mở rộng hạ tầng, ở đâu làm thành phố vệ tinh, ở đâu là nơi xây dựng đô thị mới…
Về mặt cơ chế bồi thường để giải phóng mặt bằng, tôi cho rằng, cần phải thay cơ chế bồi thường "một lần bằng tiền một cục" bằng cơ chế bồi thường theo giá trị gắn quy hoạch con đường với quy hoạch lại không gian sử dụng hai bên đường. Cụ thể, người đang sử dụng đất được nhận bồi thường chủ yếu bằng đất hai bên đường mà người ta vẫn gọi là tái định cư tại chỗ. Do chênh lệch giá đất rất đáng kể khi xuất hiện con đường mới làm cho diện tích đất có thể dư ra, bán đấu giá để tăng thêm tiền cho xây dựng con đường. Cách này tốn thêm thời gian tính toán phương án quy hoạch, phương án tài chính, vận động người đang sử dụng đất nhưng giá thành con đường ắt sẽ hạ thấp xuống rất nhiều vì bồi thường chủ yếu bằng đất hai bên đường. Nếu làm được như vậy, VN sẽ không có thêm những "con đường đắt nhất hành tinh" nữa.
Rất nhiều nước trên thế giới hiện đều đã áp dụng phương thức bồi thường để giải phóng mặt bằng bằng cách gắn với quy hoạch và định giá lại trên cơ sở tạo được sự đồng thuận với dân như vậy. Trong nước, Đà Nẵng cũng đã triển khai cách làm này và thu được hiệu quả cao.
Về đoạn đường tốn kém kỷ lục Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, đoạn đường có điểm đầu tại nút giao với đường Nguyễn Lương Bằng, điểm cuối tuyến tại nút giao Hoàng Cầu, mặt cắt ngang 50m (mặt đường 2x16m, dải phân cách giữa 3m, vỉa hè 2x7,5m); hạ tầng kỹ thuật xây dựng đồng bộ gồm: hệ thống cấp nước, thoát nước, hào kỹ thuật, hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh và tổ chức giao thông. Diện tích đất sử dụng là 30.515m2, với tổng số hộ dân phải giải phóng mặt bằng là 450 và 5 cơ quan ở phường Ô Chợ Dừa. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới trên 642,3 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, trong đó, chí phí xây lắp gần 49 tỉ đồng, chi phí bồi thường là hơn 527,2 tỉ đồng, dự phòng phí gần 58,4 tỉ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng trên 5,3 tỉ đồng, chi phí khác là gần 1,7 tỉ đồng. |
Theo TNO