. Phóng viên: Ông có cho rằng sự hợp tác của Liên đoàn và C45 sẽ giáng những đòn mạnh hơn vào nạn môi giới cá độ và cầu thủ dàn xếp cá độ?
. Ông có cho rằng sự vào cuộc quyết liệt của C45 lần này lôi ra vụ cầu thủ Đồng Nai bán độ là vụ cuối cùng và sau đó bóng đá Việt Nam sẽ hết tệ nạn này?
+ Chưa thể có chuyện đó đâu nhưng mọi chuyện dần dần tốt lên và bóng đá Việt Nam sẽ trong sạch dần. Làm sao mà hết được một sớm một chiều với những thứ đang ngấm sâu vào và trở thành tệ nạn xã hội.
Các cầu thủ tham gia làm độ không còn cơ hội quay trở lại với bóng đá. Ảnh: CTV
. Vậy thì làm sao để có hiệu quả mạnh hơn để cứu bóng đá Việt Nam?
+ Không thể vội vã được! Tôi khẳng định rằng không chỉ CLB Đồng Nai và V. Ninh Bình mà còn nhiều CLB nữa có dấu hiệu dàn xếp tỉ số. Song như tôi đã nói Liên đoàn không có công cụ để tìm ra chứng cứ. Nay với sự hợp tác tích cực của C45, mọi chứng cứ sẽ được đưa ra và từ đó cứ mạnh dạn xử lý theo luật pháp để bóng đá Việt Nam dần dần trong sạch.
. Ông nói còn rất nhiều CLB khác chứ không riêng gì CLB Đồng Nai và V. Ninh Bình?
+ Đúng vậy! Còn rất nhiều. Tôi lấy ví vụ như cơ quan điều tra khi đến bắt giữ Hữu Phát, cầu thủ này muốn chối tội. Nhưng khi cơ quan chức năng nêu đích danh tên năm cầu thủ khác thì anh này thấy mọi chuyện đã nằm trong… lưới hết rồi và mới nhận tội. Khi cơ quan điều tra “sờ” vào thì mọi chuyện sẽ khác ngay.
. Nhưng chuyện hợp tác giữa C45 với LĐBĐ VN đòi hỏi phải lâu dài và quyết liệt?
+ Tất nhiên là cuộc chiến chống tiêu cực trong bóng đá phải bền bỉ, phải quyết liệt và lâu dài. Tôi sẽ đề nghị thay đổi một số điều khoản trong quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Chỉ cần cầu thủ dính vào tiêu cực là sẽ loại vĩnh viễn khỏi đời sống bóng đá. Còn sau đó dính líu đến luật pháp thì chịu trách nhiệm theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.
. Điều này có nghĩa khi một cầu thủ trót dính tiêu cực thì không còn cơ hội quay lại bóng đá?
+ Ai cũng biết sự tàn phá của nạn bán độ với một nền bóng đá, nó hủy hoại như thế nào nên không có lý do gì mà khoan nhượng. Cứ dính vào tiêu cực, vào bán độ là loại vĩnh viễn ngay. Điều mà các cầu thủ khi vào nghề buộc phải biết và phải giữ gìn nghề cũng như gìn giữ mình.
. Nhưng cuộc chiến chống bán độ và cầu thủ dàn xếp tỉ số là rất thách thức. Những điều như ông nói thì chỉ là phần nổi của tảng băng chìm?
+ Rất phức tạp, rất tinh vi. Anh có thấy trận Than Quảng Ninh - Đồng Nai là một trận hay không? Rất hay và rất kịch tính, cầu thủ trên sân căng nhau nhưng lại là một trận tiêu cực. Rồi dàn xếp tỉ số mà đội dàn xếp lại dàn xếp thắng như trận V. Ninh Bình - Kelantan ở AFC Cup chẳng hạn. Nói chung là rất khó và rất thách thức. Những trận như thế liệu các giám sát có đọc ra không. Chính vì lẽ đó chúng tôi sẽ hợp tác tích cực, lâu dài với C45 để dần dần mang lại lòng tin cho bóng đá Việt Nam.
. Xin cảm ơn ông.
TẤN PHƯỚC ghi
Còn bao nhiêu đội chơi bấy nhiêu! Trả lời về việc nếu cứ lần ra và “chặt” hết thì còn bao nhiêu đội để đá giống nỗi lo mà trước đây cựu Chủ tịch VFF Mai Văn Muôn từng nêu quan điểm “ném chuột không để vỡ bình”, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Có còn năm đến sáu CLB cũng cứ thế mà đá. Khán giả đến sân xem những trận cầu trung thực, đẹp mắt chứ không phải đi xem kịch. Ít là chất lượng mà trung thực thì vẫn tốt hơn nhiều mà kém chất lượng. Sáu cầu thủ Đồng Nai dính án, trong đó có những cầu thủ trưởng thành từ đào tạo trẻ, rất có triển vọng. Đau lắm nhưng vẫn phải xử. Có nhiều người nói với tôi rằng tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam ít mà “chặt” như thế thì lấy người đâu mà đá. Tôi bảo thà “chặt” để cơ thể mạnh lên còn hơn mang đủ thứ mầm bệnh trên người. Có lần tôi trò chuyện với lãnh đạo LĐBĐ Hàn Quốc và được biết có lúc họ tuyên chiến với tiêu cực và giải vô địch quốc gia của họ cũng chỉ còn năm đến sáu đội nhưng họ vẫn đá và giải vẫn diễn ra với chất lượng rất cao. Cứ thế từ từ xây dựng lại chất lượng và lòng tin. Tôi không chăm chăm vào số lượng và càng không sợ thiếu đội thì bể giải…”. |