Còn nhiều tỉnh chưa đồng ý chở khách ra vào TP.HCM

Ngày thứ hai chạy thí điểm kết nối vận tải hành khách liên tỉnh theo Quyết định 1777 của Bộ GTVT, một số địa phương đã dần thích ứng và mở lại nhiều tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều địa phương e dè, thậm chí cả khu vực ĐBSCL vẫn chưa có động thái tái kết nối vận tải hành khách với TP.HCM.

Sáng 14-10, một số hành khách đến Bến xe Miền Đông mua vé từ rất sớm nhưng phải đợi tới chiều mới có xe chạy. Ảnh: ĐT

Nhiều hành khách không mua được vé

Theo ghi nhận của PV tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ) vào ngày 14-10, cho thấy nhiều hành khách đã tới bến xe để hỏi thăm về các chuyến đi miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, có người thì mua được vé, chờ đến giờ khởi hành nhưng không ít hành khách phải ngậm ngùi ra về khi tuyến xe cần mua chưa mở lại và cũng không ít người phải nghẹn ngào vì không đủ điều kiện mua vé.

Chị Phạm Thị Luận cho biết: Nghe thông tin ngày 14-10 sẽ mở lại chuyến TP.HCM - Bình Định nên chị mừng lắm. Chị đã trả phòng trọ, bán toàn bộ đồ đạc có thể bán để lấy tiền mua vé về quê. 15 giờ xe mới xuất bến nhưng ngay từ sáng sớm vợ chồng chị đã có mặt ở bến chờ tới giờ khởi hành.

“Bốn tháng vào TP.HCM làm ăn là bốn tháng chúng tôi thất nghiệp. Không nghề nghiệp, không nơi nương tựa nên nhiều tháng nay tôi phải sống bằng các phần quà do mạnh thường quân tài trợ. Nay nghe tin vận tải hành khách chạy liên tỉnh nên tôi ra ngay bến xe để đặt vé nhưng không ngờ số chuyến chạy ít quá, phải chờ rất lâu mới được đi” - chị Luận kể.

Trái lại, chị NTTP, người dân tỉnh Đắk Lắk, cho biết chị nghe tin có tuyến TP.HCM - Đắk Lắk nên đã chạy ra BXMĐ để mua vé nhưng nhân viên nhất quyết không bán.

“Tôi xuống TP.HCM có công việc từ tháng 5 và bị kẹt lại tới nay. Tôi tha thiết được về quê trong lúc này, mong TP.HCM và Bộ GTVT tính toán và tạo điều kiện cho người dân trở về quê. Chẳng hạn, nếu chưa được tiêm thì có thể xét nghiệm âm tính để được về” - chị P chia sẻ.

TP Hà Nội cũng đã thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh đến các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La với số chuyến bằng 5% so với số chuyến của ngày bình thường. Sở GTVT TP Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với các tỉnh, thành khác tiến hành thu hồi phù hiệu xe nếu để xảy ra tình trạng dừng, đón trả khách sai quy định và làm lây lan dịch COVID-19. 

Mới có 10 địa phương kết nối với TP.HCM

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết các quy định, điều kiện đi lại đã có hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GTVT. Theo đó, hành khách và các đơn vị cần tuân thủ. Từ trước tới giờ, TP.HCM rất khuyến khích người dân tiêm vaccine nên người dân có thể tới các trung tâm y tế, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng thì chắc chắn các trung tâm y tế sẽ tạo điều kiện cho người dân.

Đắk Lắk là một trong những địa phương kết nối vận tải hành khách liên tỉnh sớm nhất với TP.HCM, ông Đỗ Quang Hà, Giám đốc Sở GTVT tỉnh này, cho biết địa phương đã và đang chuẩn bị, sẵn sàng tạo điều kiện cho người dân trở về. Đồng thời, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo phòng chống dịch.

Đại diện BXMĐ cho biết ngày 13-10 có ba địa phương kết nối vận tải hành khách liên tỉnh với TP.HCM gồm Đắk Lắk, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Đến chiều tối 14-10 có thêm bảy địa phương đồng ý kết nối với TP.HCM, gồm Bình Dương, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Hà Nam. Đến nay đã có 44 chuyến xe xuất phát từ TP.HCM đi các tỉnh nói trên với 200 hành khách được khởi hành.

Đối với việc hành khách chưa tiêm vaccine thì không thể mua vé rời TP.HCM, đại diện BXMĐ cho biết sau thời gian thí điểm bến sẽ kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước để có biện pháp tháo gỡ.

Theo BXMĐ, căn cứ vào số chuyến của từng tuyến đường trong thời gian hoạt động thí điểm, đơn vị vận tải đăng ký cố định giờ xuất bến của từng ngày, trên từng tuyến cho BXMĐ và BXMĐ mới trước 17 giờ hằng ngày để niêm yết, công bố cho hành khách.

BXMĐ thông tin thêm tại cổng khu vực xe chờ xuất bến, nhân viên bến sẽ kiểm tra vé và các điều kiện cần để được lên xe. Trường hợp hành khách không đảm bảo điều kiện lên xe, đơn vị vận tải có trách nhiệm hoàn tiền cho hành khách hoặc phối hợp với điều hành của đơn vị để bố trí hành khách đi chuyến tiếp theo, sau khi hành khách đáp ứng các điều kiện lên xe.

Đối với dịch vụ thanh toán tại bến, hành khách có thể sử dụng tiền mặt nhưng phải đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp giữa bên thanh toán và bên nhận thanh toán. BXMĐ đề nghị các đơn vị vận tải cấp cho nhân viên làm thủ tục thanh toán các khoản chi giá dịch vụ như thẻ thanh toán qua ngân hàng và các tài khoản thanh toán qua QR của các dịch vụ để thực hiện việc thanh toán không dùng tiền mặt tại bến.

Còn tại Bến xe Miền Tây, đại diện bến này cho biết chưa có tỉnh nào ở ĐBSCL kết nối vận tải hành khách với TP.HCM. Do đó, đến thời điểm này chưa có tuyến xe liên tỉnh nào từ TP.HCM đi miền Tây.•

 

Vận tải liên tỉnh khu vực ĐBSCL vẫn nằm chờ

Ghi nhận của PV tại Bến xe Trung tâm TP Cần Thơ, bến rất vắng vẻ, không có nhiều phương tiện đi, đến. Tại Bến xe Trung tâm, hầu như chỉ còn nhà xe Phương Trang hoạt động nhưng không vận tải hành khách mà chở hàng hóa, thực phẩm...

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho biết sở cần phải lấy ý kiến của các địa phương có tuyến đối lưu về tần suất để có sự đồng bộ và việc này phải mất thời gian nên trong thời gian ngắn, sở chưa kịp hoàn thiện.

Trước thông tin thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, nhiều doanh nghiệp vận tải ở khu vực ĐBSCL rất vui mừng vì xe đã nằm yên nhiều tháng nay. Tuy nhiên, tất cả đều đang trông chờ vào văn bản cụ thể của ngành chức năng, trong khi đó các địa phương lại đang… chờ nhau. CHÂU ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm