Với trẻ em bị bệnh, khuyết tật thì việc cho trẻ làm con nuôi nước ngoài tương đối ổn nhưng với trẻ em lớn tuổi thì việc thực hiện có rất ít kinh nghiệm”. Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Con nuôi thuộc Bộ Tư pháp, phát biểu như trên tại hội thảo tập huấn kỹ năng chuẩn bị tâm lý và điều kiện cần thiết cho trẻ em lớn tuổi làm con nuôi nước ngoài do bộ này và Đại sứ quán Pháp tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 13 và 14-11. Đại diện các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khu vực phía Nam và đại diện tổ chức con nuôi nước ngoài được mời tham dự.
Bé Hồ Thị Bông, nạn nhân của vụ bị mẹ nuôi tạt nước sôi vào người, đã được một gia đình người Ý nhận làm con nuôi vào năm 2010 (lúc hơn 12 tuổi) và đã hòa nhập rất tốt. Ảnh: TM
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em lớn tuổi được hiểu là trẻ từ năm tuổi trở lên cho đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, các báo cáo viên cho hay thực tế có rất ít trẻ em trên 12 tuổi được nhận làm con nuôi. Trẻ em lớn tuổi có nhiều khó khăn về tâm lý, ngôn ngữ, văn hóa… và gia đình nước ngoài ít có sự sẵn sàng để nhận nuôi. Tùy viên Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM - bà Melanie Biraghi cho hay qua theo dõi tình hình thực tế trẻ em lớn tuổi làm con nuôi nước ngoài, có không hiếm trường hợp thất bại. Trẻ em không thể sống chung trong gia đình cha mẹ nuôi do trẻ không thể hòa nhập được nên phải đưa vào trung tâm bảo trợ của đất nước mới. “Việc này xảy ra khi cha mẹ nuôi không thiết lập được một mối quan hệ tình cảm với trẻ.
Một nguyên nhân quan trọng khác là thiếu sự chuẩn bị cho trẻ của đất nước gốc” - bà phân tích. Báo cáo của Cục Con nuôi cho biết rất ít cơ sở nuôi chuẩn bị điều kiện vật chất, tâm lý cho trẻ em làm con nuôi, kể cả trường hợp đến với một gia đình mới tại nước ngoài. “Phải có công tác chuẩn bị về tâm lý cho trẻ như dạy tiếng nước ngoài, giới thiệu về hình ảnh của gia đình cha mẹ nuôi, nơi ở mới, chuẩn bị cho trẻ trong lần gặp đầu tiên với gia đình mới… Mục đích là tránh sang chấn tâm lý và thái độ ứng xử, đặc biệt là tránh thất bại trong việc nhận con nuôi vì điều này sẽ để lại hậu quả trầm trọng đối với cuộc đời đứa trẻ” - báo cáo phân tích.
Cục trưởng Cục Con nuôi thông tin bốn đất nước nhận trẻ Việt Nam làm con nuôi nhiều nhất là Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Canada.
CẨM TÚ