Công an cảnh báo lừa đảo tiền tỉ qua mạng

(PLO)- Dù được công an cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn “dính bẫy” của những kẻ lừa đảo dẫn đến mất hàng trăm tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Dương) vừa cho biết trong 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã tiếp nhận 44 tin báo, tố giác tội phạm (chưa kể các tố giác, tin báo do các đơn vị khác tiếp nhận), gây thiệt hại tài sản của người dân trị giá gần 100 tỉ đồng.

Bằng kịch bản có sẵn, đánh vào tâm lý người dân, những kẻ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: LÊ ÁNH

Bằng kịch bản có sẵn, đánh vào tâm lý người dân, những kẻ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: LÊ ÁNH

Người dân liên tục bị gọi điện thoại lừa đảo

Theo ghi nhận, người dân liên tục nhận các cuộc điện thoại lạ, nói là cán bộ của tòa án, VKS dọa người dân bị vi phạm pháp luật, chào mời làm cộng tác viên bán hàng trên mạng với số tiền lãi khá lớn.

Chị H, một nhân viên văn phòng ở Bình Dương, là một trong nhiều trường hợp bị “sập bẫy” dưới chiêu thức tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng.

Chị H cho biết hồi tháng 4 chị nhận được một cuộc điện thoại lạ đề nghị hợp tác làm cộng tác viên bán hàng cho Lazada.

Việc làm thêm tranh thủ được thời gian, không cần vốn, công việc nhẹ nhàng và đặc biệt là mức chiết khấu “hoa hồng” rất cao.

Số tiền chị H chuyển cho kẻ lừa đảo. (Ảnh do người dân cung cấp)

Số tiền chị H chuyển cho kẻ lừa đảo. (Ảnh do người dân cung cấp)

Thời điểm đó, chị H đang gặp hoàn cảnh khó khăn, muốn có việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập. Bên cạnh đó, chị cũng thấy nhiều người làm công việc này có thu nhập tốt nên nhận lời tham gia.

Ban đầu, chị được đối tượng lừa đảo kết bạn Zalo và cho vào một nhóm kín. Những người trong nhóm này được nhận một link trang web giống giao diện của Lazada.

Sau đó mọi người sẽ nhận nhiệm vụ như nhau, cụ thể: Cứ 10 phút có một nhiệm vụ, chị và những người khác được hướng dẫn tìm một cửa hàng trên trang web bấm vào theo dõi là sẽ có 10.000 đồng. Cứ thực hiện như vậy đến khi có được khoảng 80.000 đồng thì sẽ có một nhiệm vụ khác.

Tiếp đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển khoản một số tiền thì sẽ được hưởng 20%-40% “hoa hồng” rồi mới được cho lệnh vô trang.

Số tiền chị chuyển cho họ ngày càng nhiều, sau đó chị được chuyển lại số tiền gốc và xong nhiệm vụ thì cuối ngày nhận được 300.000 đồng.

Qua các ngày tiếp theo, cũng làm theo cách tương tự nhưng số tiền đối tượng yêu cầu chuyển khoản tiếp tục tăng, nếu ai không đảm bảo vốn thì sẽ mất tiền.

Chỉ trong thời gian ngắn, chị H đã chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo hơn 30 triệu đồng.

Tương tự trường hợp của chị H, em T là một sinh viên đại học tại Bình Dương cũng bị lừa bằng hình thức này.

Mặc dù em T đang là sinh viên đại học không có tiền nhưng vì không hiểu biết, muốn có tiền nhanh nên đã dùng tài khoản của người thân để chuyển cho kẻ lừa đảo. Tổng cộng sau nhiều lần em T đã chuyển cho kẻ lừa đảo hơn 100 triệu đồng.

Theo công an, hành vi lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online đang rất phổ biến.

Nhiều hình thức lừa đảo trên không gian mạng

Theo Thượng tá Trần Thanh Hoàng Hai, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bình Dương), qua công tác đấu tranh, nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến như:

Giả danh cán bộ công an, VKS, tòa án gọi điện thoại cho người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Kết bạn qua mạng xã hội và hứa hẹn gửi quà có giá trị, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền nộp thuế hoặc lệ phí hải quan rồi chiếm đoạt.

Tuyển cộng tác viên các sàn thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Lazada…) làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng tăng tương tác, doanh số…

Theo Thượng tá Hai, hiện nay phổ biến nhất vẫn là hành vi lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online.

Sau khi tạo dựng niềm tin cho “con mồi” bằng một số đơn hàng giá trị nhỏ thanh toán “hoa hồng” đầy đủ. Kẻ lừa đảo yêu cầu bị hại thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn, chúng đưa bị hại vào tình trạng muốn lấy lại tiền, tiếc tiền nên phải theo cho đến khi hết khả năng thanh toán thì mới biết bị lừa.•

Công an tỉnh Bình Dương và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Ảnh: LÊ ÁNH

Công an tỉnh Bình Dương và các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Ảnh: LÊ ÁNH

Công an khuyến cáo

Theo Thượng tá Hai, để không bị lừa đảo thì người dân khi sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội.

Giữ bí mật thông tin cá nhân, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin về tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên Internet... cho bất kỳ ai không quen biết.

Khi cơ quan công an làm việc với người dân sẽ gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc thông qua công an địa phương chứ không gửi các giấy tờ qua mạng.

Cơ quan công an, cơ quan nhà nước không yêu cầu người dân phải chuyển tiền vào tài khoản để bảo lãnh, xác minh; không gửi các lệnh, quyết định, giấy mời, giấy triệu tập qua mạng xã hội.

Người dân tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP… cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan chức năng qua điện thoại và mạng Internet.

Người dân không truy cập, đăng nhập, tải các đường dẫn được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Cần cảnh giác đối với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường.

Ngoài ra, trong mọi trường hợp, không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm