Công bố chỉ số PAPI 2012: Tham nhũng vặt tăng, sức chịu của dân tăng theo!

Kết quả khảo sát gần 14.000 người dân ở 63 tỉnh, thành về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 cho thấy tình trạng hối lộ vẫn phổ biến và gia tăng trong khu vực công. Khảo sát này do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng cùng với MTTQ và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thực hiện được công bố vào sáng 14-5.

Hối lộ, tham nhũng vặt tăng

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu, kết quả khảo sát cho thấy tình trạng tham nhũng vặt tăng, nhận hối lộ mang tính phổ biến và có xu hướng gia tăng. Để minh họa cho điều này, báo cáo đã dành hẳn một chương để phân tích về hiện trạng chi phí không chính thức trong ba lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân. Đó là lĩnh vực nhà đất (cấp giấy đỏ), dịch vụ y tế quận, huyện và giáo dục tiểu học.

Cụ thể, nếu tính theo mức tiệm cận dưới, kết quả khảo sát cho thấy có 17% số người dân làm thủ tục xin cấp giấy đỏ phải chi bôi trơn trung bình 123.000 đồng/lượt; dịch vụ y tế có 10% phải lót tay trung bình 37.000 đồng/lượt; 10% phụ huynh phải chi bồi dưỡng cho giáo viên 98.000 đồng/học kỳ cho mỗi học sinh.

Còn nếu tính theo mức tiệm cận trên, tỉ lệ người dân phải hối lộ để được việc trong lĩnh vực nhà đất là 57% với mức bôi trơn trung bình 818.000 đồng/lượt, lĩnh vực y tế chiếm 48% với mức chi trung bình 146.000 đồng/lượt và 18% ở lĩnh vực giáo dục với chi phí bồi dưỡng trung bình mỗi học kỳ là 572.000 đồng/học sinh. Trong số ấy có một số trường hợp cho biết họ phải lót tay lên đến 104 triệu đồng để xin cấp giấy đỏ.

“Chỉ tính ở mức tiệm cận dưới thôi, 17% người dân phải chi 123.000 đồng, cả nước có 6 triệu giấy đỏ được cấp, nhân lên thì con số này lên đến gần 6,5 triệu USD (hơn 125 tỉ đồng). Tương tự trong y tế và giáo dục cũng vậy. Nếu nhìn tổng quan cả ngành thì con số này quả là không nhỏ! Hành vi đòi hối lộ của cán bộ, công viên chức đang ảnh hưởng đến nhiều thành phần dân cư. So với những chi phí khác, người dân phải trả cho ba dịch vụ này là đáng kể hơn!” - đại diện UNDP nhấn mạnh.

Theo kết quả khảo sát, năm 2012 có 44% ý kiến cho rằng phải lót tay khi xin việc vào cơ quan nhà nước (năm 2011 là 29%); 42% cho rằng phải lót tay khi đi khám, chữa bệnh ở BV tuyến huyện (năm 2011 là 31%); 32% cho rằng phải lót tay khi làm thủ tục xin cấp giấy tờ nhà đất (năm 2011 là 21%); 25% cho rằng phải lót tay để giáo viên quan tâm đến con em mình ở cấp tiểu học (năm 2011 là 17%).

Người dân không muốn tố cáo

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, dù vấn đề tham nhũng vặt và hối lộ đã trở nên phổ biến nhưng việc người dân tố cáo tham nhũng lại trở nên dè dặt hơn. Với câu hỏi số tiền lót tay hay hối lộ phải ở mức nào (trong khoảng từ 10.000 đồng đến 100 triệu đồng) thì người dân mới tố cáo, số người dân trả lời không bao giờ tố cáo hành vi đòi hối lộ dù ở bất cứ mức tiền nào chiếm đến 25%. Đồng thời, số người dân cho rằng nên tố cáo tham nhũng khi cán bộ vòi vĩnh dưới 500.000 đồng là rất hiếm. Việc người dân chọn phương án tố cáo tham nhũng khi mức hối lộ trên 500.000 đồng cũng không đáng kể.

Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, việc tham nhũng vặt có thể làm cho người dân khó chịu nhưng so sánh với chi phí bỏ ra để tố cáo vừa không đáng lại mất thời gian, công sức và có thể bị trù úm, gây khó dễ. Chính vì vậy người dân sẵn sàng chi trả các khoản bôi trơn để được việc. Thêm vào đó là thực tế có nhiều vụ tham nhũng chưa được phản ảnh đầy đủ, cái giá của việc tố cáo quá lớn khiến cho người dân ngại tố cáo.

“Điều này cho thấy tâm lý của người dân hoặc sợ bị trả thù hoặc không tin vào hiệu quả của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Một mặt cũng cho thấy sức chịu đựng của người dân đối với tham nhũng vặt gia tăng” - GS-TS Đặng ngọc Dinh bình luận.

Năng lực không bằng thân quen

Đánh giá về chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, khảo sát cũng đưa ra kết quả đáng chú ý. Trong khi có 47% người dân cho rằng mối quan hệ thân quen là quan trọng khi xin việc vào làm nhân viên văn phòng ở xã/phường/thị trấn thì chỉ có 26% nói không quan trọng. Muốn xin làm công chức địa chính, giáo viên tiểu học, công chức tư pháp hay công an ở cấp xã cũng có đúc kết tương tự.

“Điều này phản ảnh hiện trạng coi nhẹ năng lực và coi trọng việc quen biết trong bộ máy nhà nước. Chính nó đã ảnh hưởng đến mức độ hài lòng của người dân qua thái độ và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Đặc biệt là trong lĩnh vực cấp giấy tờ nhà đất, mức độ hài lòng của người dân về chuyên môn của cán bộ giảm 65%, về thái độ cũng giảm 62%. Việc cung cấp thông tin khi xin cấp phép xây dựng cũng bị người dân chấm điểm thấp với mức hài lòng giảm 60%... Tương tự người dân cũng không chấm điểm cao đối với các dịch vụ y tế, giáo dục” - nhóm nghiên cứu dẫn chứng.

Quảng Bình nhất bảng

Về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012, với tổng điểm của cả sáu nội dung (tham gia của người dân ở cấp cơ sở, công khai minh bạch, cung ứng dịch vụ công, thủ tục hành chính công, trách nhiệm giải trình), Quảng Bình đạt số điểm cao nhất, kế đến là Thái Bình và Bình Định. Ba tỉnh đứng cuối bảng gồm Bạc Liêu, Kiêng Giang và Khánh Hòa. Riêng TP.HCM đứng giữa bảng xếp hạng.

Cỗ máy đang bị “khô dầu”

Việc người dân phải sử dụng các khoản chi phí không chính thức bôi trơn, bồi dưỡng, nói đúng ra là hối lộ để xin việc làm, làm thủ tục nhà đất, học hành và khám, chữa bệnh đang trở thành vấn đề phổ biến toàn quốc. Hiện nay người dân đã rất quen với việc đưa hối lộ. Thông thường những lời cảm ơn đều phải kèm theo phong bì. Điều này chứng tỏ cỗ máy của chúng ta đang có vấn đề, cỗ máy đã bị “khô dầu” nên người dân mới phải bôi trơn như vậy.

PGS-TS ĐẶNG NGỌC DINH, thành viên nhóm nghiên cứu

THU HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới