Công dân Mỹ bị giam tại Triều Tiên yêu cầu được giúp đỡ

Cuộc trao đổi ngắn giữa mỗi người với AP được diễn tại Bình Nhưỡng. Ba tù nhân cho biết, họ không hề biết trước về cuộc phỏng vấn này.

Jeffrey Fowle và Mathew Miller nói rằng họ sẽ ra toà trong tháng này. Tuy nhiên, họ chưa biết mình bị truy tố tội gì và hình phạt cụ thể sẽ ra sao.

Kenneth Bae, đang thụ án tù 15 năm, đã yếu đi nhiều do phải làm tám tiếng mỗi ngày ở trại lao động.

Cả ba tin rằng giải pháp duy nhất là Mỹ cử phái viên đến CHDCND Triều Tiên để thương lượng trực tiếp. Trước đây, một số chính khách Mỹ, trong đó có cựu Tổng thống Bill Clinton, cũng đã tới Bình Nhưỡng thương thuyết phóng thích tù nhân.  

Giáo sĩ người Úc John Short từng bị Triều Tiên trục xuất hồi tháng 3. Ảnh: AP

Phía Triều Tiên cho biết ba người Mỹ trên, với tư cách khách du lịch, đã có những hành động “thù địch”. Việc xét xử đang được chuẩn bị nhưng chưa được thông báo ngày cụ thể.

Ông Fowle đến Triều Tiên ngày 29-4, bị tình nghi truyền bá những thông tin bị cấm ở Triều Tiên.

Anh Miller, 24 tuổi, nhập cảnh ngày 10-4 với visa du lịch. Anh bị bắt vì xé hộ chiếu ngay tại sân bay và la hét đòi tị nạn chính trị. Tuy nhiên, Miller từ chối lý giải hành động của mình.

Ông Bae, là một nhà truyền giáo 46 tuổi người Mỹ gốc Hàn, đã bị bắt giữ từ tháng 11 năm 2012. Ông đang phải làm việc tại một trại lao động. Do bản thân mang nhiều căn bệnh, đã có lúc ông buộc phải nhập viện vì lao lực. Ông nói: “Hy vọng duy nhất của tôi là có một ai đó từ Mỹ tới. Tuy nhiên, có lẽ các quan chức Triều Tiên cũng đang chờ đợi như tôi”.

Bae kể rằng ông “không biết” hành động của mình vi phạm luật pháp Triều Tiên, tuy nhiên ông không tiết lộ gì thêm. Ông bị tạm giam 4 tháng chỉ để chờ 1 tiếng đồng hồ xét xử. Ông không mời luật sư biện hộ vì “cơ hội duy nhất của tôi là xin được hưởng khoan hồng”.

Hoa Kỳ đã liên tục ngỏ ý muốn điều ông Robert King, phái viên về các vấn đề nhân quyền tại Triều Tiên, đến Bình Nhưỡng để xin ân xá cho Bae và những công dân Mỹ khác. Những nỗ lực này đến nay vẫn thất bại.

Washington không có quan hệ ngoại giao và không có đại sứ quán ở Bình Nhưỡng. Thay vào đó, Đại sứ quán Thuỵ Điển đã đảm nhận các công việc lãnh sự của Mỹ tại đây.

Fowle và Miller kể rằng Đại sứ Thuỵ Điển đã gặp họ và cho họ gọi điện về cho người thân.

Được biết, mỗi năm có một số nhỏ người Mỹ đi du lịch tại Triều Tiên. Tuy nhiên, trước tình trạng liên tục bắt giữ công dân Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cực lực khuyến cáo người dân không nên đến nước này.

Gần đây, Triều Tiên đã mạnh tay thúc đẩy du lịch nhằm thu hút ngoại tệ. Tuy nhiên, nước này vẫn rất nhạy cảm với các thành động bị xem là mang tính chính trị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm