Công khai thỏa thuận tài sản vợ chồng: Ngừa rủi ro, trốn nợ

Ông Bùi Minh Hồng (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp) cho biết nếu áp dụng đúng Luật HN&GĐ hiện hành thì hàng triệu giao dịch chứng khoán sẽ bị vô hiệu do liên quan đến tài sản sở hữu chung có giá trị lớn của vợ chồng. Do chưa có cơ chế công khai, minh bạch việc phân chia tài sản vợ chồng nên những người có quyền lợi liên quan khó biết và ngăn chặn vi phạm kịp thời. Và cũng do thiếu thông tin về quyền sở hữu tài sản chung-riêng nên người thứ ba xác lập giao dịch có nguy cơ bị tòa tuyên vô hiệu, ngay công chứng cũng khó đảm bảo. Chưa kể chuyện lợi dụng âm thầm phân chia tài sản trong hôn nhân nhằm trốn tránh nghĩa vụ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng quy định thỏa thuận về tài sản của vợ chồng, chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân làm biến động quyền sở hữu tài sản chung nên cần chú ý bảo vệ an toàn giao dịch mà một bên vợ, chồng thực hiện với người thứ ba ngay tình.

Dự thảo Luật HN&GĐ quy định “Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực và chỉ có hiệu lực kể từ ngày đăng ký kết hôn”. Ông Bùi Minh Hồng đề xuất vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản thỏa thuận thì có thể ghi rõ vào trong giấy đăng ký kết hôn để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Và khi xác lập giao dịch liên quan đến tài sản thì người đang có vợ, có chồng phải có nghĩa vụ thông báo với bên thứ ba về chế độ tài sản chung-riêng của vợ chồng mình.

Bà Bùi Thị Dung Huyền (Trưởng phòng Nghiên cứu pháp luật dân sự, thương mại - Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao) bày tỏ quan điểm của TAND Tối cao cho rằng việc xác lập thỏa thuận về tài sản là quyền tự do của vợ chồng. Do đó không nên quy định buộc thỏa thuận trước khi đăng ký kết hôn. Mà trong quá trình hôn nhân, vợ chồng hoàn toàn có thể xác lập thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng nếu như họ muốn dù rằng trước khi kết hôn họ chưa có thỏa thuận.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm