Toàn cầu hiện có gần 16.419.000 ca nhiễm trong đó hơn 10.047.000 người đã hồi phục và 652.256 người chết. Trong số hơn 5.719.000 ca hiện còn bị nhiễm thì có hơn 5.653.000 ca thuộc dạng nhẹ, nhưng cũng có tới gần 66.300 ca đang nguy kịch.
Mỹ: Mỗi ngày gần 67.000 ca nhiễm, hơn 1.000 người chết
Mỹ vẫn là điểm nóng COVID-19 nguy hiểm nhất toàn cầu với 66.665 ca nhiễm mới chỉ trong ngày 25-7. Liên tục trong bốn ngày Mỹ chứng kiến hơn 1.000 người chết mỗi ngày.
Hiện Mỹ đã gần 4.372.000 ca nhiễm trong đó gần 150.000 người chết tính tới ngày 26-7. Trung bình cứ 79 người nhiễm có một người chết. Theo đài CNN, các nhà nghiên cứu dự đoán Mỹ sẽ có tới 175.000 người chết vì COVID-19 thời điểm ngày 15-8.
Bên trong Mỹ, điểm nóng nhất hiện tại không còn là bang New York như mấy tháng trước mà là bang Florida. Florida giờ là bang có tổng số ca nhiễm nhiều thứ hai nước Mỹ - gần 424.000, chỉ sau bang California – gần 448.500 ca. New York đứng thứ ba với gần 416.000 ca.
Dù tổng số ca nhiễm vẫn chưa bằng California nhưng tình hình Florida lại bị đánh giá nguy hiểm hơn vì số lượng nhiễm mới mỗi ngày ở bang này thuộc hàng cao nhất nước.
Xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 ở TP Miami Beach, bang Florida (Mỹ). Ảnh: Joe Raedle/GETTY IMAGES
Trung bình trong tháng 7 này mỗi ngày Florida có thêm hơn 10.000 ca nhiễm mới. Con số này ở California là 8.300, New York là 700 ca.
Dù nhiễm đã giảm nhưng New York vẫn là bang có nhiều người chết vì COVID-19 nhất, tới gần 33.000 người. Đứng thứ hai là bang New Jersey với gần 15.900 người. Kế đó là bang Massachusetts (8.529), California (8.453), Illinois (7.590), Pennsylvania (7.190), Michigan (6.400). Bang Florida tứng vị trí thứ tám với 5.855 người chết.
Dù tình hình dịch ngày càng nghiêm trọng nhưng Thống đốc Florida – ông Ron DeSantis vẫn nhắc lại là sẽ không ra quy định buộc đeo khẩu trang, đồng thời trường học phải mở cửa lại vào tháng 8 tới.
Trong khi đó tại New York, dù dịch đã dần được kiểm soát nhưng chính quyền bang vẫn duy trì yêu cầu đeo khẩu trang, đóng cửa các cửa hàng, nhà hàng.
Về chính phủ trung ương, Tổng thống Donald Trump vẫn thúc giục mở cửa lại trường học vào học kỳ tới này, dù rất nhiều giáo viên và phụ huynh lo ngại cho sức khỏe học sinh.
Mỹ Latinh: Chiếm hơn ¼ tổng ca nhiễm toàn cầu
Khu vực Mỹ Latinh có tổng cộng hơn 4.327.000 ca nhiễm. Brazil – nước có dịch nặng thứ hai thế giới sau Mỹ - có tới 51.147 ca nhiễm mới trong ngày 25-7, có giảm so với 55.891 ca ngày trước đó. Hiện tổng ca nhiễm ở nước này là gần 2.420.000 trong đó hơn 87.000 người chết. Mexico, Peru, Chile nằm trong số các nước Mỹ Latinh có dịch nặng nhất.
Tại châu Âu, Đức ghi nhận tới 742 ca nhiễm mới trong ngày 25-7, mức tăng nhiễm cao nhất một ngày trong một tháng qua.
Tại châu Phi, tổng số ca nhiễm ở châu lục này đã hơn 800.000, trong đó hơn một nửa là ở Nam Phi.
Ấn Độ: Liên tục xấu
Ấn Độ là nước có dịch nặng thứ ba thế giới, sau Mỹ và Brazil. Tính đến thời điểm này Ấn Độ đã có hơn 1.436.000 ca nhiễm trong đó gần 33.000 người chết. Chỉ trong ngày 26-7 Ấn Độ ghi nhận tới 48.661 ca nhiễm mới.
Chôn cất người chết vì COVID-19 ở New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: CNN
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại TP Delhi bao gồm thủ đô New Delhi, theo thông tin từ đài CNN. Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Ấn Độ thực hiện cho thấy cứ bốn người dân Delhi thì có gần một người nhiễm.
Ấn Độ đã không thể kiềm chế được dịch dù thực hiện phong tỏa toàn quốc từ rất sớm – từ ngày 25-3 khi quốc gia này mới có 519 ca nhiễm trong đó 10 người chết.
Thời điểm các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ phần lớn vào ngày 30-5, Ấn Độ có hơn 180.000 ca nhiễm, và đà nhiễm liên tục tăng.
Iran đã quá mệt vì COVID-19
Tại châu Á, ngày 26-7 Iran có tới 216 người chết vì COVID-19, đưa tổng số ca tử vong của nước này lên 15.700, theo số liệu Bộ Y tế nước này công bố. Iran cũng có tới 2.333 ca nhiễm mới trong ngày 26-7, đưa tổng số ca nhiễm lên 291.172. Iran hiện vẫn là điểm dịch nguy hiểm nhất ở Trung Đông.
Bộ Y tế Iran đã phải kêu gọi công dân tuân thủ chặt quy trình phòng chống dịch để giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế vốn đã kiệt sức vì COVID-19. Tính tới đầu tháng 7 đã có 5.000 nhân viên y tế Iran nhiễm COVID-19 và 140 người trong đó không qua khỏi.
Hàn Quốc tính chuyện thu tiền chữa trị người nước ngoài
Hàn Quốc – một điểm nóng dịch của châu Á thời gian đầu - tính tới thời điểm ngày 27-7 đã có hơn 14.000 ca nhiễm, trong đó 299 người chết. Dù dịch có dịu hơn mấy tháng trước nhưng tình hình nhiễm mới ở Hàn Quốc vẫn còn đáng ngại. Trong ngày 26-7 Hàn Quốc có tới 58 ca nhiễm mới.
Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 26-7, chính phủ Hàn Quốc quyết định sẽ điều chỉnh quy định để yêu cầu bệnh nhân người nước ngoài phải chịu chi phí chữa trị, trong bối cảnh lượng người nước ngoài ở Hàn Quốc bị nhiễm ngày càng nhiều. Theo quy định hiện tại thì cho phí nhập viện và điều trị đều do chính phủ Hàn Quốc choàng gánh, không kể bệnh nhân là người nước nào.
Theo Bộ trưởng Y tế Park Neung-hoo, chuyện thu phí điều trị người nước ngoài sẽ tính theo từng trường hợp, dựa theo nguyên tắc có qua có lại trong quan hệ ngoại giao với nước đó. Chẳng hạn Hàn Quốc sẽ thu phí điều trị với công dân nước có thu phí từ người Hàn Quốc bị nhiễm.
Quyết định này đến một ngày sau khi số ca nhiễm mới trong một ngày của Hàn Quốc lên mức cao nhất trong gần bốn tháng (113 ca trong ngày 25-7, trong đó 34 ca là các thủy thủ trên một con tàu mang cờ Nga đậu ở cảng Busan). Qua ngày 26-7 lại có thêm hai thủy thủ Nga nữa bị xác nhận nhiễm.
Thủy thủ rời tàu Nga để đến Trung tâm Y tế Busan (Hàn Quốc) ngày 24-7. Ảnh: YONHAP
Ông Park cũng nói chính phủ định sẽ thu phí nhập viện, thuốc thang với công dân Hàn Quốc. Phí xét nghiệm được miễn với cả người Hàn Quốc và người nước ngoài.
Hàn Quốc cũng dự tính sẽ hỗ trợ tài chính cho công dân mình ở nước ngoài bị nhiễm và phải chữa trị COVID-19.
Triều Tiên khó thoát dịch
Tại Triều Tiên – đất nước tưởng như miễn nhiễm với đại dịch, ngày 25-7, lãnh đạo Kim Jong-un đã phải họp khẩn Bộ Chính trị đảng Lao động Triều Tiên và ban hành “hệ thống khẩn cấp tối đa” chống COVID-19, sau khi một người từng bỏ sang Hàn Quốc quay trở về với các triệu chứng nhiễm.
Ông Kim cho biết ông đã thực hiện biện pháp phòng ngừa là phong tỏa hoàn toàn TP biên giới Kaesong, nơi người này trở về Triều Tiên sau ba năm bỏ sang Hàn Quốc, theo hãng thông tấn trung ương KCNA. KCNA cho biết trường hợp nghi nhiễm này đang được cách ly và theo dõi chặt.
Thủy thủ tàu Nga lên xe buýt để đến Trung tâm Y tế Busan (Hàn Quốc) ngày 24-7. Ảnh: YONHAP
Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế công cộng O Chun-bok thừa nhận sáu tháng qua với nhiều biện pháp khẩn cấp thực hiện khắp cả nước đã không bảo đảm ngăn chặn được cuộc khủng hoảng nguy hiểm tràn qua biên giới.
KCNA cũng cho biết Ủy ban Quân sự Trung ương sẽ trừng phạt nặng và có các biện pháp cần thiết sau khi điều tra rõ ràng đơn vị quân sự chịu trách nhiệm để xảy ra lổ hổng an ninh dẫn đến trường hợp người từ Hàn Quốc lọt sang.
Trung Quốc tiếp tục xuất hiện ổ dịch nguy hiểm
Tại Trung Quốc – nơi đầu tiên bùng phát dịch, ngày 26-7, chính quyền Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh thông báo sẽ xét nghiệm toàn bộ sáu triệu dân trong TP do xuất hiện một ổ dịch COVID-19 mới.
Ổ dịch xuất hiện ngày 22-7, bắt đầu từ một người đàn ông 58 tuổi làm việc tại một công ty chế biến thủy sản. Chỉ trong bốn ngày, ổ dịch Đại Liên lây lan tới bảy TP của bốn tỉnh lân cận và hầu hết các trường hợp nhiễm đều liên quan tới nguồn lây từ công ty chế biến thủy sản.
Người dân TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc)được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 26-7, Trung Quốc ghi nhận 35 ca nhiễm mới COVID-19, bao gồm 22 ca ở khu vực phía tây bắc Tân Cương và 13 ca ở tỉnh Liêu Ninh - trong đó có 12 ca ở Đại Liên. Tính tới thời điểm này tổng số ca nhiễm của Trung Quốc là gần 84.000, trong đó 4.634 người chết.
Trong khi đó, theo báo South China Morning Post, làn sóng COVID-19 ở Hong Kong chưa có dấu hiệu dịu đi. Đặc khu này có tới 133 ca nhiễm mới trong ngày 25-7 và 128 ca nhiễm mới trong ngày 26-7, đưa tổng số ca nhiễm ở địa phương này lên 2.633.