Vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) (C08, Bộ Công an) thực hiện đợt cao điểm tuần tra, xử lý theo chuyên đề người điều khiển ô tô vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Trong số này, các lỗi được tập trung xử lý gồm hệ thống hãm, vỏ xe; xe quá niên hạn sử dụng…
Không thể kết luận bằng mắt thường
Đợt cao điểm này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của rất nhiều tài xế. Tuy nhiên, bên cạnh việc ủng hộ xử phạt các hành vi nói trên, không ít bạn đọc bày tỏ sự băn khoăn về việc CSGT sẽ căn cứ vào đâu để khẳng định vỏ xe bị mòn hay đèn chiếu sáng không đảm bảo.
Trước những băn khoăn của các tài xế về cơ sở nào để xử phạt các lỗi như vỏ xe mòn, đèn chiếu sáng không đảm bảo…, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật giao thông đường bộ (Cục CSGT, Bộ Công an), đã trả lời vấn đề này.
Theo Thượng tá Nhật, đối với những lỗi về kỹ thuật an toàn thì CSGT không thể xử phạt bằng mắt thường được mà phải phối hợp với cơ quan kiểm định để có kết luận chính xác, khách quan nhất.
Ví dụ như lỗi vỏ xe mòn, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT khi phát hiện vỏ xe có vết nứt hoặc nhìn thấy có dấu hiệu mòn rõ ràng thì sẽ yêu cầu tài xế đưa xe vào trung tâm đăng kiểm để kiểm tra. Tại đây, với các trang bị kỹ thuật cần thiết, cơ quan đăng kiểm sẽ kết luận vỏ xe có đảm bảo hay không, khi đó mới xử phạt.
“Lỗi này không thể xử phạt bằng mắt thường được, nếu có nghi vấn phải đưa đến đăng kiểm để kiểm tra” - Thượng tá Nhật khẳng định.
Tương tự, với lỗi về đèn chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn, CSGT muốn xử phạt thì phải thông qua trung tâm đăng kiểm để có thể kết luận tài xế có vi phạm hay không.
Ngược lại, đối với một số lỗi như biển số mờ, tay lái bị rơ (lỏng), CSGT hoàn toàn có thể phát hiện trực tiếp và xử phạt nếu vi phạm.
Lực lượng CSGT kiểm tra vỏ xe của phương tiện. Ảnh: T.PHAN
Xe không an toàn, chủ vẫn lén lút chạy
Thượng tá Nguyễn Quang Nhật thông tin thêm rằng sở dĩ CSGT mở đợt cao điểm này là do hàng loạt vụ tai nạn giao thông đã xảy ra có nguyên nhân từ việc xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Lực lượng CSGT đã thống nhất và phối hợp với cơ quan đăng kiểm tạo điều kiện để kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Đợt tuần tra cao điểm này tập trung xử lý chủ yếu với xe tải và xe khách.
Trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT sẽ sử dụng camera, máy ảnh nghiệp vụ để ghi lại hình ảnh vi phạm, tập hợp danh sách thông báo tới ngành giao thông vận tải nhằm phối hợp xử lý.
Theo Cục CSGT, sau hai tháng ra quân, tình trạng vi phạm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường giảm dần. Nhiều chủ phương tiện đã tự giác đến trụ sở cơ quan CSGT giao nộp biển số, đăng ký và làm thủ tục xóa sổ đối với xe hết niên hạn sử dụng. Tai nạn giao thông có nguyên nhân do vi phạm về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã giảm.
Tuy nhiên, Cục CSGT cũng cho biết thực tế ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao. Nhiều chủ xe, tài xế vì mục đích lợi nhuận kinh tế vẫn lén lút đưa xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, hết niên hạn sử dụng vào hoạt động nên tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông.
Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư trang thiết bị trong kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Hai tháng xử phạt gần 5.000 tài xế Từ ngày 21-9 đến 20-11, lực lượng CSGT đã kiểm soát, lập biên bản hơn 140.000 trường hợp vi phạm (trong đó, ô tô tải chiếm 55%, ô tô khách chiếm 16,9 %, ô tô con chiếm 28 %); tước quyền sử dụng giấy phép lái xe gần 9.800 trường hợp; tạm giữ 4.500 ô tô. Cục CSGT phân tích hành vi cho thấy: Vi phạm quy định về người điều khiển ô tô chiếm 25,94%; vi phạm quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường chiếm 7,7%. Có 110 ô tô hết niên hạn sử dụng, gần 5.000 trường hợp lắp vỏ xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, gần 3.000 trường hợp hệ thống hãm không đảm bảo an toàn kỹ thuật. |