Củng cố liên minh, tăng cường hợp tác-mục tiêu thăm ĐNA của Bộ trưởng QP Mỹ

Theo tờ South China Morning Post, vào cuối tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên.

Bộ trưởng Austin sẽ bắt đầu chuyến công du từ ngày 23-7. Ông sẽ tới bang Alaska trước khi tới Singapore. Tại quốc đảo này, ông Austin dự kiến có bài phát biểu tại một sự kiện do Viện quốc tế về Nghiên cứu chiến lược (IISS) tổ chức. Sau đó, ông sẽ đến Việt Nam và Philippines.

Theo Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á Greg Poling, đây là ba quốc gia đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực trên lĩnh vực an ninh và chính trị.

Củng cố liên minh, tăng cường quan hệ đối tác an ninh

Theo ông Renato de Castro - GS quan hệ quốc tế tại ĐH De La Salle, Philippines, chuyến thăm của ông Austin chứng minh tầm quan trọng của khu vực đối với Mỹ. Hiện có ý kiến cho rằng một số nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh giá chính quyền Washington chưa quan tâm đúng mức đến khu vực này, dù dây là khu vực cạnh tranh chiến lược của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: GETTY IMAGES

Đông Nam Á trở thành khu vực quan trọng khi cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng trong khu vực về các lĩnh vực chính trị, thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Philippines Aaron Jed Rabena cho biết: “Mỹ hiện đang làm việc với các đồng minh và đối tác để thay thế sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở ASEAN. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy mong muốn tăng cường liên minh và quan hệ đối tác an ninh của Mỹ đối với khu vực này”.

Trong một bài đăng trên nền tảng Twitter ông Austin cũng khẳng định: “Các liên minh và quan hệ đối tác mạnh mẽ là chìa khóa để củng cố trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây là lý do tại sao tôi sẽ đến thăm Singapore, Việt Nam và Philippines vào cuối tuần này”.

SCMP dẫn nhận định của giới chuyên gia cho rằng nhiệm vụ này của ông Austin tương đối khó, song trước mắt Mỹ vẫn có thể đạt được một số tiến triển trong vấn đề hợp tác an ninh với chính quyền Manila.

Philippines sẵn sàng thảo luận nối lại đàm phán VFA với Mỹ

Thỏa thuận VFA được ký kết vào năm 1998 nhằm giúp cho quân đội Mỹ cũng như các phương tiện và thiết bị của nước này có thể di chuyển ra vào lãnh thổ Philippines. Đây là một nền tảng quan trọng trong Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines năm 1951, cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị một bên nước ngoài tấn công.

Vào tháng 2-2020, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên sẽ hủy bỏ VFA, nhưng  sau đó đã ba lần đình chỉ việc này. Đến ngày 19-7, ông cho biết ông đã sẵn sàng để thảo luận nối lại đàm phán với Mỹ về Thỏa thuận VFA.

Vào tháng 6, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết một bản dự thảo cải tiến của Thỏa thuận VFA đã được các nhà đàm phán của cả hai quốc gia nhất trí, theo SCMP.

“Cả hai quốc gia đã dành nhiều thời gian để thảo luận về một số điều mà họ muốn cải thiện trong Thỏa thuận này. Chúng tôi rất tự tin rằng cuộc đàm phán này sẽ thành công” - ông Jose Manuel Romualdez cho biết.

GS-TS Renato de Castro cho biết dự thảo VFA dường như đã áp dụng mô hình của Úc hoặc Nhật Bản liên quan đến Thỏa thuận Tình trạng của Các lực lượng (SOFA) giữa họ với Mỹ. Theo ông, điều đó có nghĩa là “khi một quân nhân Mỹ bị buộc tội trước tòa, Philippines nghiễm nhiên có quyền xét xử”.

Theo SCMP, chính quyền Washington hy vọng sẽ thuyết phục được Tổng thống Duterte tiếp tục giữ nguyên thoả thuận bằng việc giúp hiện đại hóa Lực lượng vũ trang của Philippines. Vào tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán thiết bị quân sự trị giá hơn 2,5 tỉ USD cho chính quyền Manila, bao gồm 10 máy bay chiến đấu Lockheed Martin F-16.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm