Rất nhiều khán giả và cả ban giám khảo của cuộc thi Cười xuyên Việt chú ý đến Lê Dương Bảo Lâm với khả năng múa lửa mà anh chàng sinh năm 1989 này hay vận dụng vào các tiết mục của mình. Đằng sau khả năng múa lửa này của Bảo Lâm là một câu chuyện mưu sinh đầy buồn tủi.
Khóc vì bị sỉ nhục là… “pêđê múa lửa”
Có cha làm ruộng, mẹ làm công nhân, cuộc sống gia đình không khá giả, năm 2012 sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp diễn viên Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, Lê Dương Bảo Lâm đã bám trụ lại với nghiệp diễn bằng nghề múa lửa, nuốt than và tấu hài suốt ba năm. Lâm diễn lang thang từ các hội chợ đến các đám cưới, giỗ, sinh nhật… khắp các nơi heo hút, vùng dân tộc hoang vu của nhiều tỉnh, thành. Có khi bầu show quảng cáo láo có ca sĩ nổi tiếng nhưng lại cho người giả lên hát thế, cả đoàn hát bị đập phá, rượt đánh, Lâm phải cùng cả đoàn đạp cây, băng rừng mà chạy thoát thân. Cát xê mỗi show diễn cũng thường xuyên chỉ 100.000-300.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có show nên cuộc sống của anh thường lay lắt… Nhưng với Bảo Lâm, sự buồn tủi ghê gớm nhất ở những tháng ngày sống kiếp lang thang kiểu sơn đông mãi võ này không phải là sự nghèo khó mà là sự khinh thường và bị sỉ nhục.
Con đường nghệ thuật của Lê Dương Bảo Lâm đã trải qua với rất nhiều mồ hôi và nước mắt của một nghệ sĩ hạng bét.
Xưa giờ khán giả vốn quen mắt với diễn viên múa lửa là những phụ nữ gợi cảm qua bộ bikini hai mảnh. Bởi thế dù cố gắng tập tạ để có hình thể đẹp và nam tính, giới tính không có vấn đề gì nhưng Bảo Lâm vẫn không ít lần bị chỉ trỏ nói là “pêđê múa lửa” kèm theo nhiều lời phỉ báng. Có lần một bà chủ nhà hàng đã kêu bầu show ra xỉ vả rằng tại sao dám đem một tiết mục rẻ tiền như màn múa lửa của Bảo Lâm vào nhà hàng của bà. Là một diễn viên học hành đàng hoàng, tốt nghiệp loại giỏi, có ý thức nghề nghiệp, hết mình làm nghề, nghe những lời như thế Bảo Lâm đau đớn chảy nước mắt, quăng hết những đồ nghề múa lửa. Nhưng rồi thất nghiệp, nhớ bầu không khí biểu diễn, có người gọi show Lâm lại lò mò đi lượm lại đồ nghề diễn tiếp.
Còn vì sao Lâm biết múa, đó là nhờ nhiệt huyết yêu nghề của chàng trai này. Trong vở thi tốt nghiệp, Lâm chỉ được thầy giao vai nhỏ xíu là một anh chàng làm nghề sơn đông mãi võ. Vai rất phụ, không có đất diễn, Lâm phải cố tìm ra cái gì riêng cho vai của mình. Vậy là anh chàng nghĩ đến các trò xiếc như ăn than, nuốt bóng đèn, phun lửa hay thấy ở các quán nhậu lề đường. Lâm ra một quán nhậu ở đường Thành Thái (quận 10, TP.HCM) đưa 500.000 đồng nhờ một em nhỏ làm xiếc nuốt than, phun lửa dạy mình. Sau một tháng miệt mài học nghề, vai diễn sơn đông mãi võ của Lâm gây ấn tượng trong đêm thi tốt nghiệp khiến anh là diễn viên duy nhất đạt điểm 10. Ông giám đốc của một công ty du lịch và tổ chức sự kiện đi xem đêm diễn ấy đã thích thú và kêu Lâm về làm việc cho mình. Khi công ty tổ chức tour du lịch có đêm lửa trại cho các đoàn khách, Lâm vào vai thần lửa, bước ra làm trò phun lửa, nuốt than, múa lửa gây ấn tượng với ý nghĩa thần lửa đem lại ngọn lửa đoàn kết, yêu thương, gắn bó mọi người để bắt đầu những trò chơi tập thể. Khi công ty có show, Lâm cũng được yêu cầu diễn múa lửa. Dần dần các bầu show hội chợ biết anh và kêu show mà thành nghề lúc nào không biết.
Một bước đổi đời “kiếm tiền khủng khiếp”
Bảo Lâm kể cuộc đời anh tươi sáng hơn khi thi đậu vào làm diễn viên của Kịch IDECAF. 18 năm tồn tại, IDECAF mới lần đầu tiên tổ chức tuyển diễn viên vào ngày 12-6 năm ngoái. Hàng trăm thí sinh đều đã tốt nghiệp lớp diễn xuất thi vào mà chỉ lấy có 14 người. Lâm lọt vào số đó. Anh chàng tận dụng việc được coi kịch miễn phí, thường xuyên bám trụ sau cánh gà nhìn ra sân khấu xem các diễn viên gạo cội diễn để học hỏi. Kết quả, tuy chỉ mới có bốn vai ở Kịch IDECAF nhưng Bảo Lâm đã gây được ấn tượng rất sâu đậm nơi người xem với vai sư gia trong vở Cướp dâu. Lâm nổi bật nhất vở, làm khán giả cười nghiêng ngả trước sự đồng bóng và kiểu xuất khẩu thành thơ luyên thuyên của mình. Trò làm thơ độc đáo này do chính Lâm chế ra một cách duyên dáng, đắt giá. Ở những vở còn lại Lâm được thế vai của nghệ sĩ Hữu Châu và Đại Nghĩa… Nó khác hẳn chuyện đi tấu hài phải làm vai đệm cho trưởng nhóm và không bao giờ được trưởng nhóm cho phép diễn trội hơn mình… Nghề nghiệp lúc này đã khá hơn nhưng Lâm vẫn phải kiếm sống bằng nghề múa lửa, tấu hài bởi sân khấu chính lâu lâu chỉ được một suất diễn với thù lao vai phụ.
Bởi thế Lâm thật lòng: “Bạn nào nói thi Cười xuyên Việt thắng thua không quan trọng nhưng với tôi thì chiến thắng rất quan trọng và phải thắng nên tôi tập trung mọi sức lực, ý chí, con người lúc nào cũng muốn nổ tung. Tôi đã trải qua cuộc sống làm nghề quá sức tăm tối, khắc nghiệt. Tôi cũng hẹn ước với mình nếu sau hai đến ba năm mà không thành công thì bỏ nghề về nhà phụ cha mẹ làm ruộng chứ không thể sống cuộc đời sơn đông mãi võ lang bạt mãi thế này. Ở nhà mẹ tôi đâu biết tôi mưu sinh bằng múa lửa, nuốt than… Đến khi coi Cười xuyên Việt qua tivi, thấy tôi làm vậy mẹ đã gọi điện thoại lên khóc nức nở vì sợ tôi bị thương. Đi diễn ở tỉnh, mỗi lần nghe tin lật xe đò mẹ tôi cũng khóc lo cho con”.
Nhận số tiền thưởng 300 triệu đồng của cuộc thi, Bảo Lâm dùng từ: “Quá sức khủng khiếp, số tiền lớn khủng khiếp. Tôi đếm mà run cả tay, toàn đếm lộn, phải nhờ các chị của công ty đếm giùm”. Không chỉ thế, Bảo Lâm cho biết ngay sau cuộc thi, điện thoại mời show đến với anh dồn dập. Cát xê của anh đã tăng lên 7 triệu, rồi 10 triệu đồng… Lâm kể: “Không thể tưởng tượng được, quá sức khủng khiếp, chỉ một ngày hôm nay thôi tôi đã làm ra được tới 11 triệu đồng. Vậy nên tôi tính sau cuộc thi sẽ nghỉ làm một tháng chỉ để ngủ vì trước đó tôi đã quá sức mệt mỏi, căng thẳng nhưng cơ hội nhiều quá phải tranh thủ thôi. Cuộc đời tôi như sang một trang khác vậy. Đã đến lúc tôi lo được cho mẹ, cho em, kêu mẹ nghỉ làm vì quá cực!”.
Có nhiều tin nhắn chửi tôi nặng nề Về ngôi quán quân của chương trình Cười xuyên Việt, Lê Dương Bảo Lâm tâm sự: “Đêm đăng quang với tôi nhiều buồn vui lẫn lộn. Vừa hạnh phúc ngập tràn trên sân khấu xong thì tôi lại nhận được nhiều tin nhắn chửi nặng nề, tục tĩu. Có người còn nhắn: “Mày không xứng đáng, bà Ngọc Giàu chỉ thương hại mày thôi”. Nhưng tôi nghĩ lại suốt cuộc thi mình đã làm hết sức và chưa bao giờ làm tệ, chưa bao giờ phải lọt vào vòng nguy hiểm mà ngược lại, còn thường xuyên vượt lên. Vậy nên tôi không buồn nữa, chứ ban đầu tôi bị stress lắm”. |