Đang say ngủ, nhiều hộ dân tại chung cư Phố Đông (quận 9, TP.HCM) thót tim vì chuông báo cháy kêu inh ỏi. Thế nhưng lý do thực sự hầu như chỉ là: Nướng thịt bốc khói, trẻ con nghịch ngợm hay vài lý do trời ơi đất hỡi khác.
Chạy mém xỉu vì món thịt nướng
“Hôm đó mình đang tắm cho con thì nghe chuông báo cháy hú ầm ĩ. Sợ quá, vội sấp ngửa ôm con chạy ra ngoài. Ra tới cầu thang thấy mấy bà bầu cũng bì bạch chạy xuống. Sau mới biết không phải cháy mà chỉ do có nhà nướng thịt khói quá” - chị A nhớ lại.
Sống ở chung cư này năm năm thì cũng vài lần chị A tháo chạy vì chuông báo cháy giả. Chị nói sợ nhất là nghe chuông báo cháy giữa đêm khi đang ngủ. Mấy lần đầu chạy xém xỉu nhưng sau có kinh nghiệm hơn, phải ngó nghiêng, thăm dò trước rồi mới chạy.
Ông Trần An Minh, trưởng ban quản trị chung cư Phố Đông, nhớ nhất lần một cậu bé nghịch ngợm thò tay ấn tụt cả chuông báo cháy vào trong.
“Thằng nhỏ mới học lớp 2, nhà ở tầng 18, chẳng biết nghịch sao làm chuông hú rất lâu, cả chung cư náo loạn. Tòa nhà hơn 200 đầu báo khói, hơn 200 đầu báo cháy, nhân viên kỹ thuật thấy bảng điều khiển báo cháy ở lầu 19 nhưng lên kiểm tra thì không phát hiện, dò hoài cũng không ra. Tới khi chạy xuống lầu 18 mới té ngửa” - ông Minh kể.
Theo ông, chung cư Phố Đông chưa bao giờ xảy ra cháy có lửa. Mới đây có vụ cháy nồi thịt hầm do một cư dân nhậu say về bắc bếp nấu nhưng ngủ quên. Tuy nhiên, sự việc cũng được phát hiện sớm và xử lý ngay nhờ hệ thống báo cháy rất nhạy.
Tuy thế, việc báo cháy vì những nguyên do khác là có, xảy ra cả ban ngày và ban đêm. “Lần thì có cô đi giày cao gót bị ngã đập tay vào chuông báo cháy; lần thì ông cho cháu ăn, cháu nghịch thò tay ấn vào chuông báo cháy; lần khác lại do nhóm người đi nhậu đông đúc chen chúc sao mà ấn nhầm vào chuông; thậm chí có cả do côn trùng bay vào hộp báo cháy. Chỉ khổ cho cư dân bị giật mình, tháo chạy” - ông Minh ái ngại.
Tương tự, ở chung cư Bàu Cát 2 cũng thỉnh thoảng xảy ra việc báo cháy giả. "Chuông báo cháy to lắm, ở trong nhà là ai cũng giật mình, hốt hoảng. Nháo nhào cả chung cư chạy toán loạn. Nhưng giờ thì chỉ có người mới đến ở mới chạy, người ở lâu thì "quê" mấy lần rồi nên không vội", một cư dân ở lốc M cho biết. Theo cư dân ở đây, sau mỗi lần như thế Ban quản trị đều phát loa xin lỗi, lý do thường là do lỗi kỹ thuật.
Tại một chung cư ở quận 8, người dân cho biết dù họ bị nghe báo động giả nhiều lần nhưng hễ có chuông là ai cũng chạy. "Ở đây chưa từng xảy ra cháy thật nhưng báo động thì nhiều. Chạy nhiều mệt lắm nhưng ai mà dám không chạy, lỡ cháy thật thì sao? Tôi đang định trả nhà, chuyển đi nơi khác ở chứ cứ vầy cũng đau tim", một người thuê nhà tại chung cư này cho biết.
Chỉ lo cháy thật không ai chạy
Ông Minh cho biết với những trường hợp trên ban quản trị chung cư chỉ lập biên bản, nhắc nhở rồi thông báo cho cư dân biết. Điều ông lo lắng là nếu cứ vô ý gây báo cháy giả như vậy sẽ tạo tâm lý chủ quan cho mọi người. “Quy định là có chuông báo cháy phải chạy nhưng cứ bị báo động giả hoài người ta sẽ chủ quan. Chỉ lo khi cháy thật không ai chạy thì nguy” - ông trăn trở.
Hiện ban quản trị đang nghiên cứu, đề xuất làm hộp bọc bên ngoài chuông báo cháy nhằm hạn chế tối đa việc tác động gây báo cháy giả. “Chuông trần bên ngoài, lại ở vị trí thấp dễ đụng vào nên tôi muốn đề xuất làm hộp, cắt rãnh xung quanh, vẫn báo cháy được, âm thanh vẫn phát ra rõ ràng. Tuy nhiên, việc này phải họp ban quản trị, lấy ý kiến thống nhất mới làm được” - ông Minh chia sẻ.
Ghi nhận thực tế, ngoài chung cư thì ở một số cao ốc văn phòng hiện tượng báo cháy không phải do cháy cũng từng xảy ra. Lý do có thể do thử máy, đốt nhang nhiều hơn bình thường trong dịp đầu năm… Cộng với tâm lý chủ quan nên nhiều nhân viên văn phòng nghe chuông báo cháy vẫn… bình chân như vại. Dù hiện tượng báo cháy giả là có nhưng nếu quá chủ quan sẽ dẫn tới hậu quả nặng nề nếu không may lần đó là báo động thật.
Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Pháp chế điều tra xử lý cháy nổ (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.HCM), cho biết việc báo cháy giả rất nguy hiểm. Ông khuyến cáo để hạn chế tối đa việc này cần tuyên truyền, phổ biến và có quy định rõ cho mọi người quy tắc ứng xử. Ví dụ không hút thuốc trong phòng kín mà trong phòng có đầu báo khói, báo cháy. Thường xuyên vệ sinh đầu báo sạch sẽ, không để mạng nhện, chất bẩn bám vào. Nhiều trường hợp do mạng nhện bám, côn trùng chui vào khiến chuông báo cháy hú lên. Mỗi năm nên kiểm tra vệ sinh đầu báo ít nhất hai lần. Với những nơi đặc thù, thường xuyên bám bụi bẩn như xưởng sản xuất gỗ phải vệ sinh thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, cần gắn đầu báo cháy ở những nơi phù hợp theo từng vị trí công năng, thậm chí một số vị trí thay vì dùng đầu báo cháy có thể dùng đầu báo nhiệt: Nhiệt độ đạt ngưỡng chuông mới hú. |