Trước ngày ra mắt cuốn sách Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam - Tập 2: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, luật sư Phan Đăng Thanh, một trong hai tác giả của cuốn sách, đã dành cho Pháp Luật TP.HCM buổi trò chuyện. Ông là người mà nhiều thế hệ PV Pháp Luật TP.HCM đều thân thương gọi là thầy.
Báo chí cách mạng là diễn đàn của nhân dân
. Phóng viên: Thưa luật sư,ôngcó thể cho độc giả biết vì sao là một luật sư,ông lại chọn viết sách về lịch sử báo chí?
+ Luật sư Phan Đăng Thanh: Độc giả nên chú ý, chúng tôi không phải viết sách đơn thuần về lịch sử báo chí. Tôi viết về lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam, tức tôi viết về lịch sử luật pháp về báo chí qua các chế độ chính trị ở Việt Nam. Đây cũng là quyển sách thứ 23 của chúng tôi viết về các vấn đề pháp luật trong lịch sử, thường gọi là “lịch sử pháp quyền”.
. Thưa ông, quyển sách được ông phân làm hai tập, tập 1 là Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (1858-1945) và tập 2 là Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay, ông có nhận xét gì về sự khác nhau của pháp luật về báo chí ở hai giai đoạn này?
+ Nếu nhận xét sự khác nhau thì tôi sẽ chia thành nền báo chí thời Pháp thuộc, thời Quốc gia Việt Nam - tức thời Bảo Đại, thời Việt Nam Cộng hòa và nền báo chí cách mạng để nhận xét. Nền báo chí từ thời Pháp thuộc đến thời Việt Nam Cộng hòa có đặc điểm của nền báo chí tư sản, chủ yếu do tư nhân làm báo, làm báo luôn gắn liền với yếu tố thương mại, kinh doanh lời lỗ như mọi ngành nghề kinh doanh khác. Nền báo chí này gọi là “đệ tứ quyền” - tức quyền của báo chí có thể so sánh với ba quyền lập pháp, tư pháp, hành pháp. Nền báo chí này thời kỳ đầu không được luật pháp điều chỉnh, những nhà trí thức Việt Nam như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của… đã bắt chước theo báo chí của Pháp để làm báo. Lúc này ra báo tiếng Việt phải xin phép với chính quyền.
Nền báo chí cách mạng ra đời từ năm 1925 với tờ báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc cho ra đời ở Trung Quốc, hoạt động bí mật từ trước Cách mạng Tháng Tám. Nền báo chí cách mạng đã phát triển ở miền Bắc và luôn tồn tại ở miền Nam bất hợp pháp, bí mật, bán công khai trước 30-4-1975. Từ sau 30-4-1975, báo chí tư nhân đã không còn tồn tại, trừ trường hợp tờ Tin Sáng là báo tư nhân hoạt động trong giai đoạn ngắn tới năm 1981. Báo chí cách mạng có đặc điểm báo chí là công cụ của Đảng để đấu tranh cách mạng. Báo chí là cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Người làm báo là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Báo chí cách mạng đổi mới đi cùng sự đổi mới về chủ trương, đường lối của Đảng. Có một đặc điểm nhất quán không thay đổi từ khi nền báo chí cách mạng ra đời tới nay, rằng báo chí cách mạng là “diễn đàn của nhân dân”.
Luật sư Phan Đăng Thanh và cuốn sách sắp ra mắt, đồng tác giả với vợ - luật sư Trương Thị Hòa. Ảnh: HTD
Làm báo để tuyên truyền pháp luật
. Quyển sách đề tên hai tác giả Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa, vai trò của luật sư Trương Thị Hòa, cũng là phu nhân của ông, đóng góp trong quyển sách như thế nào, thưa ông? Hai tác giả quyển sách muốn nhắn gửi gì với độc giả?
+ Quyển sách này, công lao của vợ tôi đóng góp rất nhiều, có đoạn còn nhiều hơn cả tôi nữa. Nếu để ý sẽ thấy trên sách tên tôi đứng trước nhưng để ảnh trong sách, ảnh vợ tôi để trước. Tôi và vợ đều là luật sư, đều muốn phổ biến pháp luật đến độc giả, ở quyển sách này là phổ biến chính sách về báo chí qua các thời kỳ trong lịch sử Việt Nam. Nhưng bản thân pháp luật rất khô khan nên chúng tôi đã áp dụng nguyên tắc làm báo là phụ họa rất nhiều hình ảnh các tờ báo và các nhà báo, các nhân vật lãnh đạo, quản lý báo chí.
. Là một luật sư, một người làm báo và ông làm công tác giảng dạy đại học, với ông việc nào là việc chính? Nhân ngày 21-6, ông có thể kể với độc giả rằng mình đã đến với việc làm báo như thế nào?
+ Có lẽ tôi làm việc gì cũng hết lòng, làm sao cho tốt nhất nên không nói làm việc gì là chính. Tuy nhiên, tôi thích đi dạy học nhất, dù việc này không đem đến cho tôi nhiều tiền nhưng đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui, tình cảm của học trò. Tôi làm luật sư có khi bị “lỗ” vì tôi quan niệm làm luật sư là để giúp người dân như làm từ thiện chứ không phải để lấy tiền của người dân. Tôi viết sách vì thích sự nghiên cứu, tìm hiểu. Tôi làm báo khi vẫn đang có văn phòng luật sư và đi dạy học.
Tôi làm báo đến năm 2010 thì bệnh, đành về hưu. Về hưu thì tôi ở nhà viết sách, từ đó đến nay tôi cùng bà xã viết được chín quyển sách rồi.
Vào ngày 26-6, tại đường sách TP.HCM sẽ diễn ra buổi giao lưu với các tác giả là luật sư Phan Đăng Thanh, luật sư Trương Thị Hòa, nhà báo Phạm Thục, nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên với chủ đề “Nhà báo và nghề báo”. Tại đây cũng sẽ ra mắt ba tác phẩm: Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam - Tập 2: Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay; Sài Gòn một thời chưa xa; Interpol Việt Nam những chiến công VPI.COM. |