Ông Châu Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, Trưởng ban cưỡng chế, cho biết đây là dự án lớn, đi qua địa bàn bốn quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình với chi phí bồi thường giải tỏa hơn 272 triệu USD. Riêng quận Tân Bình có 284 trường hợp bị ảnh hưởng, hiện còn 17 trường hợp chưa chịu bàn giao mặt bằng.
“17 trường hợp này quận đã nhiều lần tiếp xúc, vận động nhưng họ vẫn không chịu bàn giao mặt bằng vì không đồng tình về giá bồi thường. Do đó, quận đã xin ý kiến của UBND TP và được chấp thuận thực hiện cưỡng chế để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Dự kiến việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện xong trong tháng 12” - ông Hiếu nói.
Đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) quận Tân Bình cho biết thêm trong 17 trường hợp cần phải cưỡng chế, có bảy căn nhà nằm ở đường Hồng Hà phải giải tỏa trắng, còn lại chỉ giải tỏa một phần. Về giá bồi thường, những hộ dân nằm ở khu vực có điều chỉnh tim đường được bồi thường hơn 68 triệu đồng/m2, những hộ còn lại được bồi thường theo đơn giá hơn 32 triệu đồng/m2. “Theo kế hoạch từ ngày 14 đến ngày 18-12 quận sẽ cưỡng chế, giải tỏa trước bảy căn nhà ở đường Hồng Hà. Từ ngày 21 đến 25-12 sẽ giải tỏa những căn còn lại” - đại diện Ban BTGPMB quận Tân Bình cho hay.
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Phương án tháo dỡ những căn nhà chỉ bị ảnh hưởng một phần sẽ được thực hiện ra sao để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản của người dân? Ông Hiếu cho biết hiện chủ các căn nhà này đều cho người khác thuê kinh doanh nên lực lượng cưỡng chế sẽ mời những người thuê ra ngoài và tiến hành tháo dỡ từng phần để đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Hiếu, mới đây quận có kiến nghị và được UBND TP chấp thuận phương án bố trí đất nền cho những trường hợp giải tỏa thay vì bố trí căn hộ chung cư như trước đây. “Từ nay đến ngày dự kiến cưỡng chế, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, nếu người dân đồng ý với phương án nhận đất nền và bàn giao mặt bằng thì không cần phải cưỡng chế” - ông Hiếu bày tỏ.