Sau chặng quanh TP Huế ngày 16-4 có thể được xem là kết thúc “giai đoạn 1” với sự yên ả của hành trình ít độ khó. Tuy nhiên, điểm thú vị lại nằm ở sức mạnh và sự so kè của các tay đua lẫn những êkíp đua.
Các ngoại binh sẽ được kiểm chứng khả năng leo đèo khi Cúp Truyền hình bước vào giai đoạn đua khốc liệt. Ảnh: PHẠM HUY |
Chưa năm nào mà Cúp Truyền hình hấp dẫn, ngoạn mục và đáng xem đến thế bởi cuộc chiến trước vạch đích luôn là những so kè nghẹt thở và việc áo vàng, áo xanh lẫn áo trắng luôn có hàng loạt đối thủ mạnh suýt soát vài giây, thậm chí là phần trăm giây.
Khi cuộc đua chưa vào độ khó cao thì trình độ các tay đua được xem là ít có sự chênh lệch nhưng kể từ chặng Huế - Đà Nẵng ngày 17-4 sẽ là thời điểm các ứng viên cạnh tranh áo vàng thực sự sẽ xuất đầu lộ diện. Đặc biệt là bảy ngoại binh đến từ các đội mạnh như Igor Frolov, Konstantin Nekrasov (TP.HCM), Roman Maikin, Ali Khademi (Tập đoàn Lộc Trời), đương kim vô địch Loic Desriac (dược Domesco Đồng Tháp), Erdenebat, Baasankhuu (Kenda Đồng Nai) được người hâm mộ chú ý hơn cả.
Điểm lại “giai đoạn 1”, các VĐV của Tập đoàn Lộc Trời đang tỏ ra thắng thế trước các đối thủ khi giành đến 6/10 chiến thắng chặng. Trong đó, Nguyễn Tấn Hoài ba lần “nổ súng” mừng công, ngoại binh người Nga RoMan Maikin giành hai chiến thắng và tay đua đang giữ áo vàng Quàng Văn Cường cũng một lần lên ngôi nhất chặng.
Kể từ chặng Huế - Đà Nẵng ngày 17-4 sẽ là thời điểm khi vào các cung đường khó thì các ứng viên cạnh tranh áo vàng thực sự sẽ xuất đầu lộ diện.
Được trang bị dàn “đê bao” hùng hậu, đội đua miền Tây thành công trong việc toan tính cuộc chiến áo xanh nhờ sở hữu ba “hỏa tiễn” phong độ cao, đặc biệt là sự hồi phục, trở lại ngoạn mục của Nguyễn Tấn Hoài sau chấn thương. Trong khi đó, hai đối thủ cạnh tranh chính là Lê Nguyệt Minh (TP.HCM New Group) và Trần Tuấn Kiệt (Dopagan Đồng Tháp) lại đơn thương độc mã trong cuộc chiến dành cho các tay đua nước rút.
Khởi động cho chiến dịch trên các cung đường đèo sẽ là chặng tranh tài thứ 12 (diễn ra ngày 17-4), Huế - Đà Nẵng vượt các ngọn đèo Phú Tượng, Phú Gia và đặc biệt là đỉnh Hải Vân Quan.
Với trình độ của các tay đua Việt Nam hiện nay, Hải Vân - ngọn đèo có điểm áo chấm đỏ loại 2 tuy không thể gây khó nhưng về mặt thành tích, chắc chắn sẽ có độ chênh lệch nhất định nếu so sánh với các ngoại binh. Dự báo khi đoàn đua qua bên kia ngọn Hải Vân, tân “vua leo núi” cũng chính thức xuất hiện, soán ngôi tay đua đang giữ áo chấm đỏ Nguyễn Văn Nhã của Quân khu 7.
Độ khó kế tiếp của giai đoạn 2 phải kể đến chặng đua đồng đội tính giờ, nội dung hấp dẫn nhất trong môn đua xe đạp đường trường. Chặng đấu diễn ra tại Nha Trang (ngày 25-4) tuy cự ly không dài, chỉ 28 km nhưng với việc phải giữ và duy trì tốc độ cao liên tục sẽ là một thử thách không dễ để chinh phục.
Đỉnh điểm của giai đoạn khốc liệt nhất phải kể đến cung đèo Khánh Lê dài hơn 30 km ở chặng 20, Nha Trang - Đà Lạt. Với độ khó khét tiếng bậc nhất làng xe đạp Việt Nam, có thể nói đèo Khánh Lê sẽ trở thành tâm điểm quyết định tất cả danh hiệu chung cuộc Cúp Truyền hình.•
Sáng 16-4, các tay đua thi đấu chặng 11, chặng đua tốc độ dài 42 km vòng quanh hai cây cầu Phú Xuân - Dã Viên (Huế). Đây cũng là lần đầu tiên giải bỏ qua cầu Trường Tiền trong lộ trình truyền thống.
Tổng sắp sau 10 chặng, tay đua đang giữ áo vàng Quàng Văn Cường đã chính thức đòi lại danh hiệu áo xanh từ tay Trần Tuấn Kiệt. Các tay đua TP.HCM Vinama dù không thắng chặng, vẫn tiếp tục củng cố ngôi vị số 1 giải thưởng đồng đội. Cùng với đó, áo chấm đỏ tạm thời thuộc về Nguyễn Văn Nhã và Nguyễn Văn Bình duy trì chuỗi 10 chặng mặc áo trắng.