Đã có ngân hàng 'giàu to' nhờ công nghệ mới

Đó là số liệu được đưa ra tại Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2019 với chủ đề "Ngân hàng số thúc đẩy tài chính cộng đồng" diễn ra sáng nay (28-11).

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, số người có tài khoản ngân hàng hiện nay là 45,8 triệu/92,6 triệu dân, chiếm 63% dân số. Cùng với các công ty fintech, các ngân hàng hiện đang tích cực đẩy mạnh hoạt động thanh toán trên nền tảng công nghệ mới.

Cụ thể, có 24 ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán QR code với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Tổng lượng giao dịch 6 tháng đầu năm 2019 qua kênh Internet đạt 204,22 triệu lượt, tăng 60,64% so với cùng kỳ; giá trị giao dịch đạt 9.506 ngàn tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ.

Đại diện ví Moca cho biết trong nửa đầu năm 2019, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca đã tăng đến 150%, với số lượng người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%. Tính đến tháng 9-2019, tỉ lệ giao dịch thông qua Moca đã chiếm đến 42% tổng số các giao dịch không tiền mặt.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hưng Nguyên, Phó Tổng giám đốc Napas, cho rằng: Thị trường thanh toán ở Việt Nam đang phát triển rất tốt và chưa có dấu hiệu chậm lại. Việc liên kết chia sẻ mạng lưới giữa các ngân hàng đã đem lại những kết quả hết sức lạc quan trong giai đoạn 2015-2019. Thị trường đang liên tục nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách và có điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển. Xu thế thị trường còn rất lớn khi 80% giao dịch bán lẻ vẫn sử dụng tiền mặt, đặc biệt là các giao dịch giá trị nhỏ.

Hiện trên thị trường Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, số lượng ví liên kết dự kiến đạt 10 triệu trong năm 2020. Trong đó, tốp 4 ví điện tử gồm Momo, ViettelPay, ZaloPay, Airpay chiếm 94% thị trường. Dự kiến sẽ có sự thay đổi lớn về thị phần với sự tham gia của Mobile Money. Có sự phân mảnh nhất định trong việc chấp nhận thanh toán.

Tuy nhiên, đánh giá tổng quan, Ngân hàng Nhà nước cũng thấy rằng tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên tổng mức bán lẻ vẫn còn thấp, bản thân việc phát triển các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cũng còn hạn chế. 

Các nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế này là do hệ thống hạ tầng kỹ thuật tài chính chủ yếu tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn và chưa vươn đến vùng khó khăn, lạc hậu. Tỉ lệ vay mượn qua các tổ chức tài chính chính thức thuộc diện tương đối cao nhưng vẫn còn nhiều hình thức vay mượn không chính thức; tài chính kỹ thuật số chưa phát triển, số người sử dụng các dịch vụ tài chính số ở mức thấp.

Fintech tuy nhiều nhưng chỉ tập trung vào thanh toán tiêu dùng chứ chưa phủ khắp các loại hình thanh toán, dịch vụ cao cấp khác. Internet góp phần thúc đẩy phát triển giải pháp thanh toán tại Việt Nam nhưng việc sử dụng tài khoản để thanh toán vẫn còn thấp, đa số các giao dịch được thanh toán bằng tiền mặt. 

Ông Lê Thanh Tâm, Tổng giám đốc IDG Việt Nam và ASEAN, cho biết: "Tỉ lệ thanh toán tiền mặt ở Việt Nam vẫn còn cao, lên tới 79%; còn tỉ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt chỉ có 21%. Trong thanh toán không dùng tiền mặt thì thanh toán qua thẻ chiếm tỉ lệ rất cao, các hình thức thanh toán khác như QR code, ví điện tử vẫn còn thấp”.

Tận dụng sức mạnh công nghệ 

Đánh giá về vai trò của công nghệ mới trong xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, cho biết: Là một ngân hàng sinh sau đẻ muộn nhưng bảy năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Hiện ngân hàng này có khoảng 3 triệu khách hàng, trong khi 2012 chỉ có 30.000 khách hàng. Để đạt được bước tiến nhanh như vậy là do TPBank tập trung phát triển mảng bán lẻ và giờ đây, mảng ngân hàng bán lẻ đóng góp lớn nhất về mặt lợi nhuận cho TPBank.

Lý giải về câu hỏi vì sao với số lượng nhân viên không nhiều nhưng lại có lợi nhuận từ mảng bán lẻ tốt chính như vậy, ông Hưng cho biết: "Đó chính là nhờ TPBank đã áp dụng công nghệ mới trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng”. 

Trong mấy năm qua, TPBank đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho vấn đề công nghệ, nhưng để có nguồn lực như vậy thì phải làm tốt các mảng khác. Đó là mở rộng mạng lưới, tăng tệp khách hàng và quan trọng hơn cả là ngân hàng luôn nỗ lực cải tiến để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Việc triển khai hệ thống live bank không hề tốn thời gian, chi phí đầu tư, nhân sự nhưng lại đáp ứng được tất cả  yêu cầu của khách hàng từ đăng ký mở tài khoản 24/7, nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, xác thực KYC…  Chính nhờ sự tiện lợi như vậy nên số tiền khách hàng gửi vào nhiều hơn số tiền khách hàng rút ra. Số lượng giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng tăng lên, ông Hưng khẳng định.

Thông qua ứng dụng công nghệ sinh trắc học, TPBank hiện đã nhận diện giọng nói khách hàng, điều này cũng giúp cho việc bảo mật an toàn cho các giao dịch cũng được nâng lên. Được biết tất cả thẻ phát hành nội địa từ tháng 7 đến nay tại TPBank đều là thẻ chip. Đến cuối năm nay thì có tới 40% số lượng khách hàng sử dụng thẻ chip, cao hơn mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước là 30%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm