Ngày 22-8, Đà Nẵng tiếp tục ghi nhận 183 ca mắc COVID-19, trong đó có 82 ca cách ly tập trung, 54 ca cách ly tạm thời tại nhà, 3 ca trong khu vực phong tỏa và 44 ca cộng đồng.
Đáng chú ý, trong 44 ca cộng đồng có tới 41 ca là lấy mẫu đại diện hộ gia đình. Chuỗi lây nhiễm tại chợ đầu mối lớn nhất TP vẫn đang có nguy cơ rất cao khi phát hiện thêm 103 ca mắc.
Tính từ 10-7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 2.844 ca COVID-19.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, qua 6 ngày phong tỏa TP để xét nghiệm toàn dân, TP ghi nhận 969 ca dương tính, trong đó 173 ca qua lấy mẫu hộ gia đình, 107 ca trong khu phong tỏa.
Ông Quảng yêu cầu các địa phương nghiên cứu kỹ những dữ liệu này của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để đánh giá đúng nguy cơ ở từng khu vực xã, phường.
Trước tình trạng ca mắc tại quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Thanh Khê tiếp tục tăng, Sở Y tế, CDC Đà Nẵng khẩn trương làm việc với các quận này để có chiến lược xét nghiệm phù hợp, chọn đúng đối tượng xét nghiệm nhằm bóc hết F0 khỏi cộng đồng.
Ngày mai (23-8), TP sẽ cho phép một số shipper hoạt động để giao hàng thiết yếu cho người dân, thời gian từ 8 giờ đến 20 giờ, các ngày sau đó thì bắt đầu từ 6 giờ đến 20 giờ.
Shipper phải đáp ứng những điều kiện như đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine, xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần, thực hiện nghiêm 5K, mặc đồ bảo hộ, mang khẩu trang, đeo kính chống giọt bắn...
Ngoài ra phải có thẻ do Công an TP cấp kèm theo giấy tờ tùy thân và các giấy tờ xác nhận đã tiêm vaccine, xét nghiệm.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đề nghị các lực lượng tham gia phòng, chống dịch giám sát chặt chẽ đội ngũ này trong quá trình hoạt động, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định.
Ông Chinh cho hay, nhiệm vụ trọng tâm của TP trong 3 ngày tới là tập trung xét nghiệm toàn dân và tiêm vaccine, các quận huyện, cơ sở y tế phải chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cho hai việc này.
Sau ngày 26-8, căn cứ vào tình hình thực tế và kết quả xét nghiệm lần thứ 3, lãnh đạo TP sẽ đưa ra biện pháp phòng, chống dịch mới trong giai đoạn tiếp theo.