Cảnh đẹp dĩ nhiên là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách. Nhưng bao nhiêu đó không đủ, du khách cũng rất cần và đôi khi còn ấn tượng đặc biệt về một xứ sở nào đó chỉ vì con người nơi ấy, về cách họ được đối xử ở nơi ấy. Cũng như một cô gái nếu chỉ có vẻ đẹp bên ngoài thì hấp dẫn người khác lập tức nhưng có giữ chân được người khác hay không thì phải tùy thuộc vào tâm hồn nữa.
Nepal nghèo hơn Việt Nam mình nhiều lắm. Nepal tính ra nổi tiếng nhất cũng chỉ là núi và chưa tới chục công trình được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Nhưng những người đã từng đến đây đều yêu mến đất nước này vô cùng vì những ấn tượng đẹp đẽ bên cạnh những chuyến trekking đáng nhớ. Ở Nepal tôi chưa từng bị lâm vào cảnh chặt chém từ những người bán hàng rong hay trong nhà hàng do bị phân biệt đối xử. Những ngày leo núi ở Annapunar Circuit, nước uống rất đắt do phải vận chuyển lên cao nên tôi toàn xin nước của nhà những người bán để tiết kiệm chi phí. Luôn luôn họ vui vẻ chỉ cho tôi chỗ lấy nước có thể uống mà không một phản ứng khó chịu khi không bán được hàng. Cô gái ở nhà hàng nhỏ xíu tại thị trấn Jomson ân cần rót cho tôi một chai đầy nước ấm cô để trên bếp dù nhà cô bán nước mà tôi lại hỏi xin...
Nụ cười em bé Myanmar ở hồ Inle. Ảnh: cẩm tú
Rất tự hào vì nước quá nhiều thắng cảnh, mỗi miền là mỗi cảnh khác nhau nhưng đôi lúc chính tôi còn hụt hẫng vì sự chặt chém, thiếu thân thiện giúp đỡ của một số người kinh doanh dịch vụ du lịch. Có lần ở Tam Đảo, tôi vào một nhà hàng nhỏ có món lẩu bán với giá còn cao hơn ở Sài Gòn. Chuyện đó cũng không sao bởi dù sao quán cũng có niêm yết giá. Tôi hỏi thăm nhà thuốc ở đâu vì tìm mãi không thấy, anh con trai chủ quán bảo tôi cứ ngồi ăn anh sẽ qua mua giúp vì chỉ cách vài bước chân. Chưa kịp cảm kích cảm ơn khi anh đưa chai dầu thì anh bảo tôi trả tiền với cái giá gấp đôi cho món đồ mà tôi mua ở Sài Gòn. Chỉ là một số tiền rất nhỏ thôi nhưng tôi cứ thấy buồn. Những lần đi bụi dọc theo chiều dài đất nước, tôi vẫn bị chặt chém từ việc ly cà phê bị lấy giá gấp rưỡi dân địa phương, tô bún đắt hơn 10.000 đồng, chủ quán không cho mượn toilet vì “đó là nhà vệ sinh riêng của nhà”.
Biết rằng ở đâu cũng có người tốt người xấu nhưng những vấn nạn về du lịch ở Việt Nam như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận vẫn là những tồn tại không nhỏ mà ai ai trong chúng ta cũng thấy vô cùng đáng tiếc. Bởi những việc này đâu phải tại vì nghèo, vì không có tiền. Mong đến ngày mà tôi có thể tự tin nói với cô bạn người Đức đang lưỡng lự rằng bạn hãy đến Việt Nam, Việt Nam không chỉ cảnh đẹp, thức ăn ngon, chi phí hợp lý, đường phố rất an toàn không có cướp giật, mua bán không có chặt chém chèo kéo, mọi người thân thiện và rất tôn trọng du khách. Lúc ấy mình sẽ càng tự hào về đất nước mình biết bao!!!