Đa phần chung cư tái định cư đều dột, nứt, thấm…

Ngày 14-9, Sở Xây dựng TP.HCM đã tổ chức đợt kiểm tra hiện trạng một số chung cư tái định cư (TĐC) tại các quận 2, 12, 7 và Thủ Đức vì người dân kêu than: Chung cư mới sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Nhà vệ sinh: Nước nhỏ long tong trên đầu

Nhìn bên ngoài, chung cư An Phúc - An Lộc (quận 2) rất bề thế, hiện đại với ba block cao tầng nhưng đến nơi mới biết chất lượng chung cư này quá tệ trong khi nó chỉ được đưa vào sử dụng ba năm nay: Nhiều cột chính của tòa nhà bị nứt, có cái nứt toác, rơi gạch trông rất nguy hiểm. Bên trong các căn hộ thì chất lượng càng tệ hại.

Đoàn kiểm tra chọn ngẫu nhiên căn 004 chung cư An Phúc để hỏi thăm, chủ nhà kể khổ ngay: Căn hộ tiếng là 140 m2 nhưng thật ra là tính luôn cái gác nên rất chật chội. Trần nhà và cầu thang ám đầy khói, gầm cầu thang chật và thấp đang được gia đình sử dụng làm chỗ để bếp. “Sao không sử dụng bếp đúng chỗ đã thiết kế?” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp hỏi. Gia đình tố khổ: “Thiết kế căn hộ quá bất hợp lý. Nhà vệ sinh đặt kế bên bếp, trổ cửa ngay bếp nấu nướng trong khi khoảng cách quá chật. Xin sửa lại thì không được chấp thuận. Quá mất vệ sinh nên buộc lòng chúng tôi phải dời bếp qua đây, chấp nhận chật chội chứ biết sao bây giờ”. Chủ hộ Trần Hòa Thới phân trần: “Trần nhà thì thường xuyên bị thấm, loang lổ từng vệt đen, ngồi trong nhà vệ sinh mà nước nhỏ long tong trên đầu. Cũng gia cố sửa chữa nhiều lần, bớt được vài bữa rồi lại tái diễn”. Bà cụ cho biết ớn nhất là những lúc nước trong nhà vệ sinh không thoát được, có khi tràn cả ra sàn, hôi hám không chịu nổi do cống bị nghẹt. Mỗi tháng nhà phải đóng 180.000 đồng cho chăm sóc cây xanh, lau dọn cầu thang và tiền điện, bóng đèn cho phần bên ngoài căn nhà. Vậy mà bóng đèn trước nhà bị hư, tối om om không thấy ai đến sửa. Bà cũng không biết kêu ai. Hỏi thì họ nói chung cư hết bảo hành rồi.

Theo ông Hiệp, nền đất xung quanh chưa ổn định, bị lún sụt khoảng 15 cm so với nền chung cư nên ảnh hưởng đến nhiều hạng mục công trình này.

Ở chung cư Bình Trưng (quận 2) có đỡ hơn do không bị nứt nhưng các căn hộ vẫn bị thấm nước, nghẹt cống. Bà Nguyễn Thị Đấu, chủ căn hộ 309 lô A, cho biết nhà bà bị thấm đến nỗi nước nhỏ giọt lên đầu. Hầu như căn nào của chung cư này cũng đều bị thấm.

Cột bị nứt toác tại chung cư An Phúc - An Lộc, quận 2. Ảnh: CT

Chủ căn hộ 001B chỉ một lỗ to tướng trên góc tường giải thích: “Phải đục lỗ để khi nào nhà vệ sinh của nhà bên trên bị tắc, nước sẽ nhỏ xuống cái lỗ này chúng tôi còn biết đường mà chuẩn bị chống thấm”. Bà cho biết có gọi công ty dịch vụ công ích, họ cũng có cho người đến sửa mấy lần nhưng chẳng ăn thua. Vì thế, nhà đã phải tốn gần chục triệu đồng thuê thợ chống thấm, lột hết gạch trong nhà vệ sinh của căn bên trên để lát lại. “Cả nhà đều mừng, nói là năm nay nhà ăn tết ngon lành, ai dè gần đây lại tái diễn cảnh nhỏ nước!” - bà nói.

Hết hạn bảo hành, sửa chữa ai lo?

200 khối nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1991 với khoảng 10.000 hộ dân đang sinh sống đã bị xuống cấp nghiêm trọng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội và một số TP khác, tính đến cuối năm 2010.

Theo Công ty Dịch vụ Công ích quận 2, chung cư An Phúc - An Lộc đã hết hạn bảo hành vào năm 2010. “Do bị sụt lún vỉa hè xung quanh lô A nên các co nối của ống thoát nước bị gãy. Một số nắp đan tại lô B bị bể, sụt lún. Các hộp gen tại lô B1 bị rạn nứt do sụt lún vỉa hè…” - công ty báo cáo. Công ty cũng tiếp nhận chung cư Bình Trưng vào năm 2002, đến năm 2004 đã hết hạn bảo trì. Tình trạng hư hỏng là thấm ố tường, cầu thang bộ, lún đường đi nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy không hoạt động được. Ngoài ra, quận này còn có ba chung cư TĐC bị hư hỏng, xuống cấp như thấm tường, sụt lún… Đó là chung cư An Phú - An Khánh, chung cư 1 ha Thủ Thiêm, khu dân cư 6,4 ha phường Thạnh Mỹ Lợi.

Tại các quận khác, các chung cư mới đưa vào sử dụng như chung cư An Sương (quận 12), chung cư Tân Mỹ (quận 7), đoàn kiểm tra cho biết vẫn xảy ra tình trạng căn hộ bị thấm dột te tua. “Tại chung cư Tân Mỹ, quạt gắn tường nhưng được lắp vào trần nhà khiến quạt rơi làm bị thương người dân” - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp thị sát thực địa cho biết.

Theo ông Hiệp, nguyên nhân gây ra hư hỏng, xuống cấp tại các chung cư TĐC là do chất lượng thi công. “Về nguyên tắc, có thể xử phạt chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát khi xây chung cư kém chất lượng nhưng quan trọng là bài toán gỡ. Tuy nhiên, chung cư TĐC phần đông là người nghèo, có người còn nợ tiền nhà không trả nổi nên bắt họ gánh khoản phí này thì càng nặng. Vì thế, Sở sẽ báo cáo với TP lập một dự án, xin kinh phí để khắc phục các sự cố lún nứt, thấm dột… tại các khu TĐC và việc sửa chữa phải thực hiện tận gốc, nếu không cũng sẽ không hiệu quả và lãng phí” - ông Hiệp nói.

Công ty Dịch vụ Công ích cho biết vẫn tiếp tục bảo trì các chung cư đã hết hạn bảo hành như chống thấm bên trong căn hộ, sửa la phông bị sụp. Riêng các hạng mục hư hỏng chung, công ty đã kiểm tra, lập dự toán kinh phí để thực hiện trong quý IV năm nay, nguồn kinh phí thực hiện từ 3% phí duy tu bảo dưỡng chung cư.

Với chung cư còn trong thời hạn bảo hành (như lô C chung cư Thạnh Mỹ Lợi), công ty yêu cầu chủ đầu tư phải khắc phục. Riêng với hạng mục hạ tầng kỹ thuật đã bàn giao cho quận, công ty đang lập báo cáo kinh tế kỹ thuật để đề nghị quận duyệt kinh phí thực hiện.

Hàng loạt chung cư tái định cư tại TP.HCM xuống cấp

- Chung cư Lý Chiêu Hoàng (quận Bình Tân) có tám hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng dù chỉ mới đưa vào sử dụng hơn năm năm.

- Chung cư An Phú - An Khánh (quận 2), tường nhà bị nứt dọc nứt ngang, sửa chữa nhiều lần vẫn chưa hết. Chung cư này có ba block, gồm 120 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay.

- Chung cư 109 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5) bàn giao từ năm 2008 nhưng nhiều căn hộ bị thấm tường, nước từ nhà vệ sinh tầng trên nhỏ giọt xuống tầng dưới…

CẨM TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới